Chú trọng nâng cao năng lực người học
Năm học 2024 – 2025, lần đầu tiên học sinh sẽ thi lớp 10, thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. TS. Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, nhà trường đã xây dựng lộ trình cụ thể trong công tác giảng dạy, công tác chuyên môn, có kế hoạch để giúp học sinh cuối cấp ôn thi chủ động, hiệu quả.
Ở các cấp học, Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành hướng tới lấy người học làm trung tâm, học sinh đến trường không chỉ học kiến thức, mà còn được ăn ngon, học tập trong môi trường an toàn nhất. “Mỗi trường học đều có những mục tiêu riêng. Với trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành, chúng tôi đặt chữ N – nhân cách lên trên hết. Sau chữ N, đến chữ T – trí tuệ, nhấn mạnh phương pháp giảng dạy hiện đại và bền vững sẽ giúp phát triển tư duy của người học. Nhà trường còn hướng tới giáo dục học sinh phát triển toàn diện với 12 câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao và định hướng. Một chữ T tiếp theo trong triết lý giáo dục của nhà trường là Thích ứng. Sự thích ứng phải được đặt trên nền tảng của nhân cách và trí tuệ để không bị cuốn theo điều xấu. Học sinh cần có sự thông minh, trí tuệ để làm điều thiện, thể hiện trong ý nghĩ, lời nói và cả hành động”, TS. Phạm Sỹ Cường nhấn mạnh.
Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Huế) có hơn 1.500 học sinh. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thanh Nhàn cho biết, năm học mới, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học thông qua khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quản lý, dạy và học. Tăng cường kết nối nhà trường với xã hội, phụ huynh qua nền tảng Hue-S; đồng thời, khai thác tối đa lợi thế vùng đất cố đô trong công tác giảng dạy.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng, tuyên truyền để giáo viên giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học và các nội dung sẽ đồng tâm, liên thông giữa các khối lớp để chương trình mới được đồng nhất. Đặc biệt, chúng tôi đưa giáo dục di sản vào hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, giúp học sinh thêm yêu quê hương, đất nước. Các em được đến thăm, tìm hiểu thông tin về các di tích, đọc – trải nghiệm trong không gian văn hóa Huế, làm bánh, sản phẩm thủ công ở làng nghề…”, cô Nhàn chia sẻ.
Dồn lực cho chu trình mới chất lượng
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà, năm học 2024 – 2025, bên cạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, giáo dục Đồng Tháp tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND huyện/thành phố rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các địa phương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bố trí biên chế học sinh/lớp bám sát quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, bảo đảm việc học tập của con em nhân dân trên từng địa bàn.
Ngoài ra, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019; từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tương xứng với bằng cấp và bảo đảm năng lực để thực hiện nhiệm vụ… “Để hoàn thành khối lượng công việc nhiều như trên đòi hỏi công chức, viên chức, người lao động phải quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm trong thực hiện ngay từ những ngày đầu của năm học”, bà Hà nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông Phan Thanh Hải nhấn mạnh 3 vấn đề được chú trọng trong năm học 2024 – 2025 của địa phương là tiếp tục hoàn thành mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Để triển khai những mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cơ chế, chính sách đặc thù về giáo dục và đào tạo của địa phương, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Đồng thời, quan tâm hai điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm chất lượng giáo dục là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
“Đắk Nông sẽ chú trọng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Tiếp tục phối hợp với cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở lớp nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên”, ông Hải cho biết.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/don-luc-quyet-tam-doi-moi-giao-duc-i387129/