Đà giảm thu hẹp, kỳ vọng tín hiệu tích cực
Kết quả chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) vừa được S&P Global công bố cho thấy ngành sản xuất VN trong tháng 11 đã giảm ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây, từ mức 49,6 điểm của tháng 10, tụt xuống ở mức 47,3 điểm. Điều này cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất VN giảm trở lại, dẫn đến sản lượng sản xuất giảm ở mức đáng kể hơn. Không những thế, báo cáo cũng chỉ ra rằng các công ty VN tiếp tục thực hiện cắt giảm việc làm và hoạt động mua hàng, đồng thời tỏ ra ngần ngại trong việc tích trữ hàng tồn kho.
Ngoài ra, báo cáo của Tổng cục Thống kê đến giữa tháng 11 cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng đạt trị giá trên 10 tỉ USD giảm đến 2 con số. Đơn cử, trị giá xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện giảm 12,4%; xuất khẩu giày dép giảm 17,7%; dệt may giảm 12,7%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 18,4%, thủy hải sản giảm 19%… Bên cạnh đó, xuất khẩu máy móc thiết bị và dụng cụ khác cũng giảm 7%. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 10 tỉ USD như máy móc móc thiết bị, phụ tùng và vải… cũng giảm khoảng 10 – 14%.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp (DN) vẫn cho rằng có một số tín hiệu tích cực trong tháng cuối năm và quý đầu năm sau. Chiều 1.12, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết con số kim ngạch giảm theo thống kê của 11 tháng là chính xác nhưng từ tháng 11, lượng đơn hàng xuất khẩu của DN ngành gỗ có sự cải tiến đáng kể. Cụ thể, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước tính 1,3 tỉ USD, đơn hàng tháng 11 đang tăng cao hơn so với tháng 11.2022 và tăng hơn tháng 10 khá nhiều. Tháng 10 giảm gần 20%, nay giảm 18,4%, tỷ lệ này cho thấy mặc dù tăng trưởng âm song đà giảm đã thu hẹp lại.
Dù vậy ông Phương thừa nhận: Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng này không lớn do bị áp lực lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng yếu và xu hướng thắt chặt chi tiêu vẫn duy trì tại nhiều thị trường. Tỷ lệ đơn hàng mới chỉ có rải rác ở một số công ty. Hiện lạm phát trên thế giới có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao, kinh tế còn khó khăn nên vẫn tác động rất tiêu cực đến các DN VN. Theo tính toán, đến cuối năm nay, tăng trưởng vẫn giảm so với năm ngoái. Ngoài ra, do khách hàng thay đổi, nên xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ năm nay giảm mạnh, chỉ đồ gỗ tăng, nên kim ngạch toàn ngành “bù qua sớt lại”, kéo mức giảm đáng kể.
Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Foods, cũng bày tỏ sự “sốt ruột” khi lượng đơn hàng tại các thị trường kỳ vọng bị mất hoặc giảm. Ngay những đơn hàng đang “ăn nên làm ra” tốt tại thị trường Trung Đông cũng bị ngưng lại do xung đột ở khu vực này bùng phát. Ngoài ra, thị trường bún khô, bánh phở khô vốn tiêu thụ tốt tại các nước có cộng đồng người châu Á, người Việt sinh sống như Pháp, Mỹ, Nhật… cũng giảm đáng kể và cho đến tháng 11 mới cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng. “Năm qua, chúng tôi đi tham dự nhiều hội chợ thương mại lớn trên thế giới, mục đích tìm kiếm đơn hàng mới, một số đã bắt đầu vào giai đoạn thẩm định hàng mẫu để tiến đến đặt hàng. Nên nếu nói tín hiệu lạc quan phải chờ sang quý đầu năm”, ông Duy Toàn cho biết.
Chọn ngách để đi
S&P Global cũng chỉ ra nguyên do khiến đơn hàng giảm sút trong mấy tháng cuối năm một phần do giá bán ra tăng. Nhiều khách hàng không muốn trả giá cao hơn để mua sản phẩm, nên ngưng mua hàng. Chuyên gia của S&P Global nhận định: “Trong bối cảnh chi phí đầu vào của các công ty tăng, các nhà sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả trong những tháng tới. Do đó, ngành sản xuất sẵn sàng bước vào năm 2024 với tình trạng khá ảm đạm, hy vọng nhu cầu sẽ sớm tăng trở lại”.
Bà Đào Mỹ Linh – Giám đốc Kinh doanh Công ty CP quốc tế Dony, cho biết công ty chọn mức lãi thấp nhất có thể để bán được nhiều hàng và đặc biệt cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã. Thế nên, may mắn vẫn có đơn hàng mới. Công ty cố gắng tìm đến những khách hàng có lợi thế về địa lý để giảm chi phí. Chẳng hạn, nhà máy đặt tại khu vực phía nam, lợi thế về địa lý khiến những đơn hàng sỉ từ Campuchia cũng gia tăng đáng kể.
“Chúng tôi đã sang tận Campuchia chào hàng cho các nhà xuất khẩu lớn. Họ cũng là quốc gia gia công, nhưng hiện tuần nào công ty cũng có lô hàng xuất khẩu sang Campuchia bằng đường bộ. Đường lớn đi khó, chúng tôi chọn ngõ, ngách để len vào các thị trường”, bà Linh tiết lộ và khoe đang tăng tốc để làm hoàn thành 2 đơn hàng xuất đi Mỹ vào cuối tháng này và một đơn hàng xuất đi Malaysia. Trước cuộc gặp chúng tôi tại nhà máy vào cuối tháng 11 vừa qua, bà Mỹ Linh cho biết vừa kịp xuất đi container 40 feet hàng đồng phục sang thị trường thuộc khu vực Trung Đông.
Với ngành cơ khí, một số DN chọn cách xuất khẩu tại chỗ khi thị trường nước ngoài khó khăn. Sáng nay 2.12, Công ty cơ khí Duy Khanh khánh thành nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh tại Khu công nghiệp cao TP.HCM. Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch HĐTV Công ty Duy Khanh, tự hào khẳng định lần đầu tiên một DN VN dám đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có quy mô để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Ngành cơ khí trong năm qua đơn hàng giảm, nhưng chúng tôi đẩy mạnh đầu tư bởi khả năng và quy mô của mình hoàn toàn làm được và cung ứng cho chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt xuất khẩu tại chỗ cho DN FDI ở VN. Nhà máy có công nghệ dập ép bột và thiêu kết (công nghệ Sintering) có điểm đặc biệt là sản xuất hàng loạt lớn với giá thành thấp, thân thiện với môi trường với tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu rất cao (95%) so với phương pháp gia công cắt gọt kim loại truyền thống (45%)”, ông Tống cho biết và nói thêm: “Chúng tôi đầu tư để làm phụ trợ phục vụ cho nhiều ngành như linh kiện của các hệ thống điều khiển, hệ truyền động của các loại dụng cụ cầm tay, thiết bị điện, linh kiện trong xe máy, ô tô… Hiện DN FDI và DN trong nước đang mua những linh kiện này gồm Trung Quốc Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản là chủ yếu. Tại sao mình xuất khẩu được, lại không cung cấp cho các DN tại chỗ được?”.
Nhiều DN vẫn đang tìm các ngõ ngách thị trường để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, giữ lao động chờ cơ hội trong thời gian tới.