Bộ Công Thương sẽ sớm kết nối để các doanh nghiệp trong nước được tiếp xúc, được trao đổi trực tiếp với các Thương vụ ở nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả và bền vững hơn.
Mặc dù cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu với giá trị lên tới 6,35 tỷ USD (cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước khi xuất siêu 2,35 tỷ USD), song sự sụt giảm mạnh ở mức 2 con số đặc biệt là cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy rõ những khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu.
Các nhóm hàng chủ lực đều đi xuống
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%).
Có thể thấy, việc sụt giảm đều đến từ các nhóm hàng chủ lực. Đơn cử, nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 4 tháng đầu năm ước đạt 9,68 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, còn nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 17,8%.
Đáng chú ý, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 91,16 tỷ USD, chiếm hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình suy giảm nhu cầu chung của các nước trên thế giới.
Nhiều mặt hàng trong nhóm này giảm khá mạnh, như: điện thoại và linh kiện giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,9%; giày dép các loại giảm 16,3%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 31,3% còn hàng dệt may giảm 19,3%…
Hiện nay, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may còn khó khăn, thậm chí phải nỗ lực duy trì sản xuất để có đủ việc làm chứ không có lợi nhuận.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, trong quý 2, tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng nhưng tiếp tục khó khăn về đơn giá khi áp lực chi phí cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp chưa được cải thiện.
Mặt khác, dư địa phát triển ngành May chỉ là đơn hàng nhỏ, phức tạp còn ngành sợi sẽ có cải thiện hơn nếu doanh nghiệp mua được giá bông mới, xuất khẩu đến các thị trường ngoài Trung Quốc…
Để đón đầu cơ hội khi thị trường hồi phục, lãnh đạo Vinatex đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới, đồng thời cần có sự chia sẻ, tạo sự liên kết về đơn hàng, nguyên phụ liệu, thiết bị, giá và tăng cường sử dụng trong chuỗi với nhau. Quản trị sản xuất hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí không cần thiết trong sản xuất. Đặc biệt các doanh nghiệp cần có giải pháp, sắp xếp điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, có rất nhiều nguyên nhân khiến sản xuất và xuất khẩu các ngành hàng đi xuống trong các tháng đầu năm, trong đó phải kể đến yếu tố thị trường xuất khẩu, do lạm phát cao ở nhiều quốc gia, sức mua sụt giảm đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu.
Những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU… chứng kiến sự sụt giảm nhiều nhất. Cùng với đó là yếu tố chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí nhân công, vận chuyển… tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Do vậy, để nâng cao sức cạnh tranh, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cùng với tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn “xanh” của các thị trường xuất khẩu.
“Cục sẽ tiếp tục theo dõi và cùng phối hợp với các doanh nghiệp, ngành hàng để cùng đưa ra giải pháp trong thời gian tới, thậm chí kiến nghị các chính sách liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay…,” ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay.
– Cán cân thương mại 4 tháng đầu năm 2023:
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tăng cường đàm phán, tận dụng để mở rộng thị trường ngoài nước thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết trong thời gian qua cũng như khẩn trương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng kết nối trực tiếp với các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài để tìm hiểu, nắm bắt thị trường…
Bộ sẽ sớm kết nối để các hiệp hội, các doanh nghiệp trong nước được tiếp xúc, được trao đổi trực tiếp với các Thương vụ ở nước ngoài để có thể giải quyết được những cái khó, cái vướng của các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trong nước hiện nay, để thúc đẩy xuất khẩu một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả và bền vững hơn…
Về phía địa phương, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, nhằm tạo sự giao lưu giữa các nhà mua hàng, chuỗi siêu thị lớn nước ngoài gặp gỡ những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam ở thành phố, qua đó tạo động lực thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu…