Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tìm cách cải thiện triển vọng kinh tế dài hạn của Pháp và khôi phục nền tài chính công vốn đang bị thâm hụt trầm trọng. Nhưng chỉ có khó khăn đang chờ đợi ở phía trước, đặc biệt là sau khi triển vọng tăng trưởng của một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu bị điều chỉnh giảm.
Pháp sẽ cắt giảm chi tiêu 10 tỷ Euro đối với tất cả các cơ quan chính phủ để bù đắp cho việc dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 giảm xuống 1%, từ mức 1,4%, theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire.
Kiếm ít, tiêu ít
“Kiếm được ít hơn thì tiêu ít hơn. Đó là quy luật thông thường”, ông Le Maire, người vẫn đảm nhiệm vị trí này kể từ khi ông Macron đắc cử lần đầu vào năm 2017, nói với các phóng viên hôm 19/2.
Năm ngoái, Paris đã vạch ra kế hoạch chi tiêu cho năm 2024 với giả định rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,4% – một ước tính mà Hội đồng Tài chính Công cấp cao của Pháp, một cơ quan giám sát độc lập, khi đó cho là quá lạc quan.
Pháp hiện đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng xuống 1%, nghĩa là nước này sẽ thu được ít thuế hơn dự kiến. Do đó, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Eurozone phải tăng cường cắt giảm chi tiêu trong năm nay thêm 10 tỷ Euro để duy trì mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 4,4% GDP.
Khoảng 5 tỷ Euro sẽ bị cắt khỏi chi phí hoạt động ở tất cả các bộ, chẳng hạn như bằng cách trì hoãn việc tuyển dụng một số công chức, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Thomas Cazenave nói với các phóng viên hôm 19/2.
Phần còn lại sẽ được cắt khỏi các chính sách công khác như viện trợ phát triển (giảm 800 triệu Euro) và các khoản trợ cấp Xanh (giảm 1 tỷ Euro). Pháp cũng có thể giảm đóng góp cho Liên Hợp Quốc, theo ông Le Maire.
Triển vọng kinh tế Pháp tăng trưởng chậm lại là một “đòn” giáng mạnh vào Tổng thống Macron. Cho đến nay, ông chủ Điện Elysee vẫn đặt mục tiêu cải thiện vị thế tài chính của Pháp mà không sử dụng đến biện pháp “thắt lưng buộc bụng” hay tăng thuế, thay vào đó dựa vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, điều mà ông cho rằng sẽ đến từ các cải cách “thân” doanh nghiệp và thị trường lao động.
“Tôi cam kết không tăng thuế. Chúng tôi đã cắt giảm thuế và sẽ không đi chệch khỏi lộ trình này. Người Pháp không thể chịu thêm bất kỳ khoản thuế nào nữa”, ông Le Maire cho biết.
Bối cảnh khó khăn
Cách tiếp cận của ông Macron vốn đã bị “soi” kỹ hơn sau khi chi tiêu công tăng vọt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và một lần nữa trong cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.
Hồi tháng 12 năm ngoái, S&P Global Ratings giữ quan điểm tiêu cực đối với xếp hạng tín dụng của Pháp và cảnh báo nước này có thể bị hạ bậc vào một thời điểm nào đó trong năm nay, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của chi tiêu chính phủ và hiệu quả kinh tế đến tài chính công.
Chiến lược kinh tế của ông Macron cũng đang chịu áp lực sau khi tỉ lệ thất nghiệp tăng cao vào năm ngoái và các công ty trong các lĩnh vực từ tài chính đến xây dựng chuẩn bị sa thải thêm nhiều lao động.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Pháp đã trình bày bước đầu tiên trong việc giải quyết “núi” nợ công với khoản tiết kiệm 16 tỷ Euro nhằm giảm thâm hụt xuống 4,4% GDP vào năm 2024, từ mức 4,9% năm 2023. Nhưng phần lớn điều đó sẽ đến từ việc rút lại sự hỗ trợ to lớn dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng năng lượng, và kế hoạch này dựa trên mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.
“Dự báo tăng trưởng vẫn tích cực, nhưng phải tính đến bối cảnh địa chính trị mới”, ông Le Maire cho biết hôm 18/2, viện dẫn lãi suất tăng và căng thẳng địa chính trị, bao gồm các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, cũng như tăng trưởng chậm chạp ở Trung Quốc và suy thoái kinh tế ở Đức, là lý do khiến kinh tế Pháp tăng trưởng chậm hơn dự kiến.
Dự báo tăng trưởng sửa đổi của Chính phủ Pháp phù hợp với các ước tính khác, trong đó Ngân hàng Trung ương Pháp kỳ vọng mức tăng trưởng 0,9% và OECD hồi đầu tháng này đã cắt giảm dự đoán của mình xuống 0,6%, từ mức 0,8%.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Politico EU, RFI)