Những năm qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trong KCN, cung cấp các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp trong KCN. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tham mưu Thành phố những cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Hà Nội có tiềm năng nổi trội, là trung tâm lớn về khoa học, giáo dục, kinh tế và ngoại giao. (Nguồn: Kinh tế Đô thị) |
Tiềm năng nổi trội
Hà Nội có tiềm năng nổi trội, là trung tâm lớn về khoa học, giáo dục, kinh tế và ngoại giao.
Chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong những năm gần đây, thể hiện qua tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Thành phố liên tục tăng lên hằng năm. Chất lượng hoạt động của mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lên tục được nâng cao.
Trong giai đoạn 2011-2020, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tại Hà Nội tăng cao. Nếu như năm 2011 tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 30,4%, thì đến năm 2020 lên 48,5%. Đây là sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành trong việc huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục đào tạo và dạy nghề. Qua các Kỳ thi kỹ năng nghề, Đoàn thí sinh Hà Nội luôn dẫn đầu tại Kỳ thi quốc gia và có nhiều thí sinh của Hà Nội được lựa chọn trong thành phần đội tuyển quốc gia tham dự đạt thành tích cao tại kỳ thi khu vực và thế giới.
Hà Nội là đô thị loại đặc biệt của Việt Nam trực thuộc Trung ương, là hạt nhân trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nội là trung tâm đầu mối của các đường giao thông thuận lợi tỏa đi cả nước và quốc tế, có kết cấu hạ tầng giao thông – kinh tế – kĩ thuật – xã hội phát triển hơn so với các địa phương khác trong vùng và cả nước.
Thành phố hội tụ đủ các điểm kết nối kinh tế (Khoa học công nghệ, công nghiệp, dịch vụ/đào tạo, y tế, du lịch và nông nghiệp…) và thực sự đã trở thành cực tăng trưởng chủ đạo trong liên kết vùng, cũng như cấu trúc tổng thể mạng lưới đô thị quốc gia, có tác động không nhỏ trong môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Hà Nội trở thành Trung tâm điều hành của các tổ chức kinh tế lớn và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và triển khai của quốc gia.
KCN Phú Nghĩa, Hà Nội. (Nguồn: Kinh tế Đô thị) |
Điểm sáng phát triển kinh tế-xã hội
Với vai trò động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như liên kết vùng, kết nối cung-cầu với các tỉnh, thành trong cả nước.
Giai đoạn 2016-2019, Hà Nội chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong thu hút vốn FDI với 26,5 tỷ USD và là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 2 năm 2018-2019. Từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thị trường thế giới đối mặt những khó khăn chưa từng có, dẫn đến ngưng trệ các hoạt động ngoại thương, đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí toàn cầu, hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, tổng thu hút vốn FDI của Hà Nội năm 2020 vẫn đạt 3,83 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn quốc.
Bên cạnh những thuận lợi về tiềm năng, vị thế địa-kinh tế, Hà Nội vẫn còn những khó khăn thách thức trong tổ chức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh; chất lượng nhân lực; năng suất lao động ngành công nghiệp của Hà Nội đều kém hơn các nước trong khu vực; quá trình liên kết, hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương còn có nhiều bất cập như: Việc quy hoạch, thành lập và phát triển các KCN mới trong giai đoạn vừa qua chưa đạt được so với mục tiêu đề ra. Công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng các KCN mới, khu công nghệ cao còn chậm. Hệ thống an sinh xã hội như nhà ở, khu vui chơi giải trí cho người lao động tại KCN đang hoạt động còn thiếu, chưa quy hoạch xây dựng đồng bộ. Công tác phát triển hạ tầng xã hội như các thiết chế văn hóa, nhà ở công nhân chưa đáp ứng nhu cầu người lao động. Về thu hút đầu tư, giá thuê lại đất có hạ tầng tại một số KCN cao nên ảnh hưởng đến việc kêu gọi và thu hút đầu tư đặc biệt là các dự án lớn có tính dẫn dắt.
Theo quá trình phát triển của nền kinh tế, các dự án đầu tư vào KCN sẽ chuyển dịch dần từ dự án sử dụng lao động phổ thông sang dự án sử dụng lao động có kỹ thuật cao; hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ lao động cho KCN phải đồng bộ hiện đại.
Đây là lợi thế của Thành phố Hà Nội so với các tỉnh liền kề. Vì vậy, từ năm 2019 đến nay, nhu cầu đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tăng cao.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố; Chương trình số 02-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; Chương trình hành động số 277/Ctr-UBND ngày 05/12/2021 của UBND Thành phố thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025; ngày 7/01/2022 UBND Thành phố đã có Quyết định số 65/QĐ-UBND ban hành Đề án “Thành lập 2-5 KCN mới giai đoạn 2021-2025“, theo đó giai đoạn 2021-2025, Thành phố xác định mục tiêu thành lập mới và đưa vào hoạt động từ 2 đến 5 KCN. Trong đó, KCN sạch Sóc Sơn, KCN Đông Anh, KCN Bắc Thường Tín, KCN Phụng Hiệp, KCN Phú Nghĩa mở rộng; ngoài ra Ban Quản lý cũng đang tiếp tục triển khai các dự án KCN Quang Minh II, khu công nghệ cao sinh học Hà Nội…
Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thu hút được nhiều dự án lớn, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. (Ảnh: HNM) |
Phát huy vai trò cầu nối
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính, TP. Hà Nội đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch thân thiện môi trường.
Những năm qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trong KCN, cung cấp các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp trong KCN. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tham mưu Thành phố những cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Do đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn luôn duy trì được đà tăng trưởng khá. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 7,2%/năm. Thu hút đầu tư vào các KCN giai đoạn 2009-2022 đạt gần 4 tỷ USD quy đổi (trung bình đạt 300 triệu USD/năm), trong đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 3,5 tỷ USD (vốn đầu tư mở rộng dự án FDI chiếm 73%)
Đến nay, Thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong KCN 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt trên 95%; KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, huyện Phú Xuyên giai đoạn 1 diện tích 76,9ha và khu công viên CNTT Hà Nội, quận Long Biên diện tích 36ha đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ phát;
Các KCN đã thu hút được 711 dự án đang hoạt động, trong đó có 304 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,6 tỷ USD; 407 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 19.000 tỷ đồng; Có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN. Trong đó, Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng vốn đăng ký đầu tư. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như: Canon, Yamaha, Meiko, Terumo, Hoya… Ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN tuân thủ đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành nghề: Điện – điện tử chiếm 44%, công nghiệp cơ khí chế tạo 24%, các ngành công nghiệp khác 32%.
Ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của Thành phố: Công nghiệp điện – điện tử chiếm 44%, công nghiệp cơ khí chế tạo 24%, các ngành công nghiệp khác 32% (dược phẩm, chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc, công nghiệp in…).
Hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong khu các khu công nghiệp duy trì được mức tăng trưởng khá. Công tác quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động và giải quyết việc làm ngày càng phát huy tốt vai trò tích cực, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Trong 05 năm gần đây các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Giá trị doanh thu sản xuất công nghiệp 6,8 tỷ USD/năm chiếm khoảng 5,5% GDP của Thành phố; Giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD/năm chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu toàn Thành phố; Nộp ngân sách nhà nước trên 200 triệu USD/năm;
Các KCN của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn người lao động (trong đó lao động nước ngoài là trên 1.100 người), bình quân 01 ha đất đã tạo việc làm cho hơn 160 lao động. Các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác phát triển các KCN cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý KCN theo hướng xây dựng khung pháp lý thống nhất (như Luật KCN, KKT…) nhằm tạo đột phát trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá thủ đô trên nền tảng năng xuất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển mô hình KCN mới đối với các mô hình phù hợp KCN thành phố Hà Nội như mô hình KCN sinh thái, , KCN Công nghiệp – đô thị – dịch vụ…
Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư… Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền công tác quản lý nhà nước đối với KCN để tạo cơ chế “một cửa, tại chỗ” thuận lợi cho doanh nghiệp.