Xác định công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.
Chị Đào Thị Hà, Giám đốc Công ty Nấm đông trùng hạ thảo Huy Cương, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Cách đây 5 năm, khi đã vào độ tuổi 50, chị Đào Thị Hà, Giám đốc Công ty Nấm đông trùng hạ thảo Huy Cương, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) quyết định khởi nghiệp từ nghề nuôi đông trùng hạ thảo. Trong khoảng thời gian từ năm 2016-2017, sức khỏe của chị Hà không được tốt, khi đó em trai chị ở Lai Châu có gửi cho một số sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo để uống thử. Dùng một thời gian, chị Hà thấy sức khỏe được cải thiện đáng kể, đặc biệt là chứng mất ngủ, đau đầu, huyết áp thất thường gần như biến mất hoàn toàn. Chị giới thiệu cho bạn bè, người thân mua dùng thử đều nhận được phản hồi tích cực. Nhiều người sau khi dùng còn nhờ chị mua thêm để uống lâu dài. Từ đó chị Hà nảy ra ý định, tại sao không sản xuất rồi bán trực tiếp cho mọi người. Khi mới khởi nghiệp chị Hà gặp muôn vàn khó khăn, gia đình phản đối, hàng xóm xung quanh dị nghị, các mẻ nấm không lên, lên không đều hoặc bị mốc phải bỏ đi, thất thoát hàng trăm triệu đồng. “Có những thời điểm tôi đã nghi ngờ bản thân và định bỏ cuộc”, chị kể. Giữa lúc hoang mang, chị Hà liên tục nhận được những cuộc gọi điện thoại cảm ơn của khách hàng về sản phẩm chị cung cấp cho họ. Cùng với đó, chị còn được chị em trong Hội LHPN phường, thành phố rồi tỉnh động viên. Để hỗ trợ chị Hà, Hội LHPN thành phố thường xuyên mời chị tham gia các lớp, khóa học về khởi sự kinh doanh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Từ đó, giúp chị giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh… Được tiếp thêm động lực, chị Hà quyết tâm làm lại từ đầu. Vài ba ngày chị lại bắt xe khách lên Lai Châu, xuống tận xưởng của em trai học nghề; lên mạng đọc tài liệu về cách ươm trồng, chế biến nấm đông trùng hạ thảo. Không phụ công người, những mẻ nấm sau đó của chị Hà lên đều, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật. Cứ gần 3 tháng chị Hà thu hoạch được 1 lứa nấm, trung bình 1 tháng, chị thu hoạch được 4-5kg nấm khô. Hàng năm, trừ chi phí, chị thu về khoảng 300 triệu đồng. Với sự nỗ lực của bản thân cùng với sự hỗ trợ tích cực của Hội Phụ nữ các cấp, 2 năm trở lại đây, chị Đào Thị Hà đã phát triển mô hình lên quy mô công ty, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 6-7 lao động với mức lương ổn định.
Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN thành phố đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; chỉ đạo các cơ sở Hội rà soát số hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, yếu thế… để giúp đỡ. Theo đó, mỗi cơ sở Hội phấn đấu giúp ít nhất 3-5 hộ thoát nghèo, cận nghèo; hướng dẫn các Hội cơ sở có phương án hỗ trợ phù hợp về vốn, kiến thức, dạy nghề và tư vấn việc làm… Trong năm 2022, các cấp Hội đã tập trung nguồn lực trợ giúp 101 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ thành phố còn chú trọng công tác dạy nghề, mở rộng liên kết tổ chức dạy nghề tại doanh nghiệp, cơ sở làng nghề; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khởi sự kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật; vận động hội viên tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn… Cụ thể, Hội LHPN thành phố đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Trung tâm Ứng dụng dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tổ chức hội thảo “Giải pháp công nghệ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định” cho 100 cán bộ, hội viên phụ nữ trực tiếp sản xuất, trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn xã Nam Phong. Phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố dạy nghề cho 218 lao động nữ, tư vấn về việc làm cho 195 lao động nữ sau đào tạo. Chỉ đạo Hội LHPN các phường, xã triển khai chương trình “Đào tạo ngành tóc hiện đại cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức. Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tốt Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025”, hướng dẫn xây dựng 8 ý tưởng khởi nghiệp, giới thiệu 12 sản phẩm tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Kết quả, có 2 ý tưởng được xếp loại tiêu biểu. Giới thiệu 3 nữ chủ doanh nghiệp tham gia “Câu lạc bộ nữ doanh nhân” của tỉnh. Vận động các nữ doanh nghiệp tham gia diễn đàn “Tư duy lãnh đạo cho một số nữ doanh nhân” do Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam phối hợp với Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) của Mỹ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Cử 4 cán bộ và doanh nghiệp nữ tham dự hội nghị tập huấn “Thương mại điện tử – cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Nam Định bứt tốc độ thời kỳ hậu COVID-19” do Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức. Hỗ trợ 21 nữ doanh nghiệp đào tạo tư vấn, kết nối tiếp cận thông tin thị trường… Giúp hội viên vay vốn, đến nay, các cấp Hội Phụ nữ thành phố đang quản lý và điều hành an toàn, hiệu quả trên 131 tỷ đồng cho 7.916 chị em có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua kiểm tra, kết quả hoạt động uỷ thác vốn vay công khai, đúng đối tượng, mục đích. Thông qua hoạt động triển khai các nguồn vốn vay còn khích lệ nhiều hội viên phụ nữ tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, vượt khó vươn lên làm giàu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục đến hàng trăm lao động.
Với các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế đa dạng, phong phú, các cấp Hội LHPN trên địa bàn thành phố Nam Định đã và đang tạo “đòn bẩy” cho nhiều hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương, khẳng định vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên