Việc cải cách tiền lương đi đôi với đổi mới các chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài sẽ là động lực to lớn thúc đẩy ngành Giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn trong thời gian tới.
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận, cải cách tiền lương và đổi mới chính sách tuyển dụng sẽ là đòn bẩy giúp ngành Giáo dục phát triển hơn trong thời gian tới. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Báo Thế giới & Việt Nam xung quanh câu chuyện tăng lương cho giáo viên để thu hút và giữ chân người tài trong ngành Giáo dục.
Giáo dục cần được quan tâm hơn nữa
Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29, ngành Giáo dục vẫn thiếu trường lớp, thiết bị và lương giáo viên quá thấp. Bà nghĩ gì về câu chuyện này?
Thực trạng ngành Giáo dục vẫn thiếu trường lớp, thiết bị và lương giáo viên còn thấp là vấn đề được nói đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, tôi thấy sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo nước nhà đã có những bước tiến rất lớn, rất quan trọng.
So với 10 năm trước, cơ sở vật chất của ngành, đặc biệt là hệ thống trường lớp đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Thiết bị trường học cũng được quan tâm, đầu tư, bước đầu đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới. Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất dành cho giáo dục, không chỉ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà ngay ở các đô thị lớn cũng xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên.
Câu chuyện nhiều học sinh tại Thủ đô Hà Nội học hết THCS không “chen chân” được vào trường THPT công lập do có quá ít trường, hoặc việc thiếu các trường mầm non trầm trọng là minh chứng cho việc thiếu thốn này.
Chúng ta đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng ngoài việc biên soạn đầy đủ sách giáo khoa để giảng dạy thì hệ thống học liệu hiện đại theo chương trình mới vẫn còn thiếu rất nhiều. Thậm chí, hệ thống lớp học và bàn ghế ở trường phổ thông hiện nay cũng chưa thực sự phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 (thiết kế bàn ghế, diện tích lớp học, cách bố trí bục giảng, bàn giáo viên… đều theo cách truyền thống, chưa phù hợp với cách giảng dạy tăng cường tổ chức làm việc nhóm…).
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, ban hành, sửa đổi nhiều luật về giáo dục, tuy nhiên, ngành vẫn còn nhiều khó khăn chồng chất.
Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân là nguồn lực quốc gia còn hạn chế. Nhất là thời gian vừa qua, khi bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đất nước lại phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, tiếp đó là khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu. Điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung của đất nước và đến nguồn lực dành cho giáo dục nói riêng. Bên cạnh đó, cũng có địa phương, nguồn lực dành cho giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, ngay từ khâu quy hoạch đất đai, phát triển hệ thống trường lớp hay dành ngân sách đầu tư.
Chúng ta đã quen thuộc với những câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”; “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, việc đầu tư đúng hướng, thỏa đáng và khoa học cho giáo dục chính là đầu tư cho sự lớn mạnh và hùng cường của quốc gia. Cho nên, tôi mong muốn giáo dục cần được quan tâm hơn nữa, cả về khâu hoàn thiện thể chế lẫn đầu tư kinh phí, đào tạo nhân lực, để trong thời gian tới, giáo dục và đào tạo có sự bứt phá, đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển của đất nước.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự lớn mạnh và hùng cường của quốc gia. (Ảnh: Vũ Minh Hiền) |
Tăng lương để giữ chân người tài
Nghề giáo là nghề đặc thù với sản phẩm đặc biệt là con người, nên cần vun bồi trí tuệ, năng lực, nhân cách, lý tưởng sống và khát vọng cống hiến. Bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc tăng lương giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như giữ chân người tài trong nghề giáo?
“Có thực mới vực được đạo” là câu rất thấm thía của ông cha ta. Chúng ta khó có thể đòi hỏi đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nếu như không đổi mới tiền lương cho giáo viên theo hướng tăng lên.
Lương giáo viên thấp và chưa tương xứng với trọng trách nghề nghiệp cũng như công sức bỏ ra là một thực trạng đáng trăn trở hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều hệ luỵ: giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề do áp lực cơm áo gạo tiền mà đồng lương không đáp ứng, việc lạm dụng tổ chức dạy thêm tràn lan, ép buộc học sinh không có nhu cầu, nguyện vọng phải học thêm; sự chểnh mảng trong nghề nghiệp vì phải dành nhiều thời gian lo công việc “tay trái” để có thêm thu nhập.
Việc khó tuyển sinh ở khối các trường sư phạm, khó thu hút, giữ chân nhân tài, khó động viên đội ngũ giáo viên toàn tâm toàn ý, dồn hết tâm huyết cho công việc… Thậm chí, thu nhập ít ỏi từ lương giáo viên cũng phần nào ảnh hưởng đến vai trò và vị thế nhà giáo trong xã hội.
Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Cho nên, việc tăng lương cho giáo viên có ý nghĩa rất lớn lao; không chỉ cải thiện thu nhập cho nhà giáo mà còn mang ý nghĩa quyết định trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành Giáo dục.
Đây cũng là nhân tố cốt lõi, quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thiếu giáo viên, ngành Giáo dục đang đẩy mạnh việc đổi mới căn bản toàn diện. Con người bao giờ cũng là yếu tố then chốt, quan trọng nhất trong mọi công việc, mọi quá trình đổi mới và phát triển.
Tại diễn đàn quốc hội, nhiều đại biểu cũng đề nghị, trong cải cách tiền lương, cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Là một Đại biểu Quốc hội, bà có kỳ vọng gì về câu chuyện tăng lương giáo viên?
Không chỉ đội ngũ công tác trong ngành Giáo dục mong chờ việc cải cách tiền lương mà xã hội đều kỳ vọng đây là một trong những giải pháp hiệu quả và nhân văn để phát triển giáo dục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhiều lần kiến nghị cấp bách tăng lương cho giáo viên để cải thiện đời sống và giảm tình trạng thôi việc. Mới đây, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Đây là tín hiệu mừng đầu năm mới?
Vâng, tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Việc cải cách tiền lương đi đôi với đổi mới các chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài trong ngành Giáo dục sẽ là động lực to lớn thúc đẩy ngành phát triển mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn trong thời gian tới.
Nhiệm vụ trước mắt của ngành để tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng rất nặng nề: vừa tiếp tục nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa, vừa thẩm định phê duyệt các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn; xây dựng phương án và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình 2018 vào năm học 2024 – 2025; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học…
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục còn rất cần sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm, tin yêu và ủng hộ của toàn xã hội.
Xin cảm ơn bà!