Tổng thống Abinader cho biết biên giới trên không, trên biển và trên bộ sẽ đóng cửa lúc 6 giờ sáng giờ địa phương vào hôm thứ Sáu (15/9) và sẽ tiếp tục đóng cửa “cho đến khi cần thiết”.
Đây là một động thái hiếm hoi đối với Cộng hòa Dominica và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả hai nước, mặc dù tác động ở Haiti sẽ là lớn hơn.
Việc đóng cửa là hành động đáp lại việc một nhóm nông dân ở phía Haiti khai thác một con kênh ở sông Massacre, chạy dọc biên giới giữa hai quốc gia trên đảo Hispaniola.
Ông Abinader cáo buộc Haiti đang cố gắng chuyển hướng nước từ sông Massacre và cho biết điều đó sẽ ảnh hưởng đến nông dân và môi trường ở Dominica.
Hôm 13/9, Bộ Ngoại giao Haiti cho biết họ đang họp với các quan chức Dominica tại Cộng hòa Dominica để thảo luận về tình hình. Cuộc họp đang tiếp tục thì ông Abinader tuyên bố sẽ đóng cửa mọi biên giới bắt đầu từ 15/9, cho thấy nỗ lực ngoại giao đã thất bại.
Trong khi đó, ông Jean Brévil Weston, lãnh đạo một nhóm nông dân gần biên giới, tuyên bố ông sẽ không ngừng lại việc khai thác nước từ kênh đào.
Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết công việc xây dựng kênh đào đã bị đình chỉ kể từ vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse vào tháng 7/2021 và chủ yếu là do chính quyền Haiti “đã không giải quyết được các vấn đề do hạn hán gây ra ở vùng nông nghiệp đồng bằng Maribaroux”.
Cộng hoà Dominica trước đó đã đình chỉ cấp thị thực cho người Haiti và đóng cửa biên giới gần thị trấn Dajabon ở phía bắc, làm tê liệt huyết mạch kinh tế quan trọng đối với những người Haiti buôn bán ở đó. Những người sống ở Haiti nhưng làm việc ở Cộng hòa Dominica từng đi qua biên giới hàng ngày.
“Họ đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ ở Dajabon và cả Haiti nữa, vì có rất nhiều hàng hóa bị hư hỏng”, doanh nhân Haiti Pichelo Petijon cho biết. “Chúng tôi đã thiệt hại hàng triệu USD”.
Hoàng Nam (theo AFP)