Đôi vợ chồng làm hơn 3.000 mặt nạ giấy bồi dịp Trung thu mỗi năm ở phố cổ Hà Nội
Thứ ba, ngày 27/08/2024 13:03 PM (GMT+7)
Sau hơn 4 thập kỷ gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan là những nghệ nhân cuối cùng ở phố cổ Hà Nội còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Nằm sâu trong con ngõ số 73 phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội) là nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan. Trong căn nhà rộng chỉ vỏn vẹn chưa đến 20 m2, nhưng đây là nơi ngày ngày vợ chồng ông Hòa vẫn đang miệt mài làm ra những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Căn nhà nhỏ được luôn tràn ngập những xếp giấy vụn, bút vẽ, hộp sơn tổng hợp các màu, thùng keo và những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi với nhiều màu sắc, hình dáng phong phú.
Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ yêu thích của trẻ em Hà thành mỗi dịp Trung thu. Vào dịp Trung thu của vài thập kỷ trở về trước, Hà Nội có rất nhiều gia đình làm mặt nạ giấy bồi nhưng cho đến nay chỉ còn một gia đình nghệ nhân trên phố cổ Hà Nội vẫn kiên trì giữ nghề.
Sau 45 năm theo nghề, đến nay vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan đã là những nghệ nhân, những người còn sót lại từ thời hoàng kim của những chiếc mặt nạ giấy bồi của Hà Nội.
Theo bà Đặng Hương Lan, để làm một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu. Điều này đòi hỏi người người làm nghề phải thật tỉ mỉ và chỉn chu trong từng chi tiết mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp.
Trước tiên là phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp sau được dán chồng lên lớp trước bằng một loại hồ nấu từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc xé giấy, bồi keo phải thật cẩn thận, chỉ sai sót một chút thôi thì mặt nạ sẽ không được căng mịn.
Bà Lan cho biết, mỗi dáng mặt nạ sẽ có một khuôn riêng. Hiện tại hai vợ chồng bà có đến hơn 30 chiếc khuôn mặt nạ khác nhau, phần lớn là khuôn gia truyền, có một số khuôn là vợ chồng bà tự sáng tạo ra hoặc làm theo yêu cầu của các bạn nhỏ.
Sau khi hoàn thiện công đoạn thô, mặt nạ phải được phơi nắng tự nhiên, không được dùng máy sấy nhằm tránh làm biến dạng, cong vênh.
Để mỗi chiếc mặt nạ được đều và đẹp, quá trình tô màu cũng phải chia ra từng công đoạn nhỏ, tô từng màu riêng, mỗi màu lại phải tô đi tô lại nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu, màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem. Tất cả các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo, cần sự kiên nhẫn để tạo ra những hình thù như mình mong muốn”.
Bà Lan chia sẻ, mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi được yêu thích của trẻ em Hà thành. Từ khi mặt nạ của Trung Quốc tràn vào thị trường, sản phẩm truyền thống ít được giới trẻ biết đến. "Hàng hóa ế ẩm làm mọi người cũng nản, dần bỏ nghề. Chỉ có nhà tôi là vẫn cố gắng vượt qua. Mỗi mùa Trung thu, gia đình tôi sản xuất được khoảng 3000 chiếc mặt nạ giấy bồi, giá từ 40.000 - 200.000 đồng/chiếc, tùy vào kích cỡ màu sắc.
Hiện nay mặt nạ giấy bồi không còn được ưa chuộng như nhiều năm trước, bởi trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mặt nạ mẫu mã đẹp và rẻ do được sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, với niềm đam mê với nghề và muốn giữ lại nghề truyền thống của gia đình, vợ chồng ông vẫn tiếp tục duy trì công việc này.
Khổng Chí
Nguồn: https://danviet.vn/doi-vo-chong-lam-hon-3000-mat-na-giay-boi-dip-trung-thu-moi-nam-o-pho-co-ha-noi-20240827011244632.htm
Bình luận (0)