Ngày 22/12/1944, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh tại khu rừng Trần Hưng Ðạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – Ðội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ 34 chiến sĩ ban đầu, Ðội đã nhanh chóng phát triển lực lượng, trình độ tổ chức, tác chiến, nâng cao sức chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữ trọn lời thề tuyên thệ trong ngày thành lập.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rút ra chân lý: “Muốn được độc lập, tự do thật sự, các dân tộc bị áp bức phải trông cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình, người Việt Nam phải tự giải phóng lấy mình”(1). Trong Cương lĩnh đầu tiên (tháng 2/1930) của Ðảng, do chính tay Người soạn thảo đã khẳng định: “tổ chức ra quân đội công nông”(2).
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các đội tự vệ, du kích ra đời hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng, là những hạt giống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng; là cơ sở để lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị: “muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Ðoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”(3)…
Hồi ký của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp kể về ngày thành lập:
“22 tháng 12 năm 1944.
5 giờ chiều.
Lễ thành lập đội cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Ðạo và Hoàng Hoa Thám. Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc. Giữa mùa Ðông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao thẳng tắp, Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, lần đầu tập họp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm. Ðại diện Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Dao, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Ðoàn thể tuyên bố thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc”(4).
Ðội được biên chế thành ba tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Ðội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ đảng lãnh đạo. Tại buổi lễ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc 10 lời thề danh dự của Ðội: nguyện hy sinh vì đất nước; tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh; kiên quyết chiến đấu; rèn luyện để thành quân nhân cách mạng; tuyệt đối giữ bí mật; một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng; hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng đội; giữ gìn vũ khí; thực hiện đoàn kết quân dân; không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể Việt Nam.
80 năm qua, có một vài thay đổi câu từ, nhưng cơ bản nội dung 10 lời thề vang lên tại lễ thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân giữa núi rừng Việt Bắc vẫn được giữ nguyên.
“Mười lời thề danh dự” đã đồng hành cùng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm cho mọi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân; ý thức về danh dự và phẩm giá; tinh thần bất khuất trước kẻ thù; xây dựng cho quân nhân tình cảm đẹp và ý chí cách mạng; quan hệ cấp dưới với cấp trên trong sáng, giữ nghiêm kỷ luật; luôn gắn bó “máu thịt với dân”, đùm bọc giúp đỡ đồng đội. Mười lời thề danh dự cũng là lời nhắc nhở mỗi quân nhân ý thức sâu sắc hơn về niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc, với Ðảng, với nhân dân, với đồng chí, đồng đội.
“Mười lời thề danh dự” đã đồng hành cùng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm cho mọi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân.
Sắt son với lời thề từ ngày thành lập, đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” lập nên chiến công đầu Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho những vinh quang chói lọi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, lập nên biết bao chiến công hiển hách, giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chấm dứt chế độ đô hộ của nghìn năm phong kiến, trăm năm thực dân, đưa Việt Nam thành quốc gia dân chủ, độc lập.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, được sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân, Ðội quân rừng Trần Hưng Ðạo lớn mạnh không ngừng, chiến đấu hy sinh “Vì nhân dân quên mình”, thực hiện xuất sắc vai trò nòng cốt cùng dân tộc làm nên thắng lợi Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Vượt qua gian khổ hy sinh, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành công, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Khi chủ quyền đất nước, lãnh thổ, biên cương lại bị kẻ thù xâm phạm, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục cùng với nhân dân căng mình chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc, đánh đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi; giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đưa đất nước Chùa Tháp hồi sinh, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào anh em. Chặng đường đầy gian khổ, hy sinh đã viết nên truyền thống của Quân đội anh hùng trong chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Quân đội nhân dân Việt Nam còn là đội quân sản xuất, là lực lượng chủ công trên các công trình trọng điểm của đất nước, từ khôi phục đường sắt bắc-nam, xây dựng hạ tầng cho ngành năng lượng quốc gia, hệ thống giao thông, viễn thông…; lập được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin và các ngành đòi hỏi công nghệ cao khác,… là sự chứng minh hiệu quả chức năng của đội quân sản xuất, là sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo chủ trương của Ðảng.
Với những người lính căng mình bảo vệ biên cương, biển, đảo, những chiến sĩ đổ mồ hôi trên mặt trận sản xuất, toàn quân đã phát huy vai trò đội quân công tác, đóng góp vào xây dựng địa bàn, cơ sở chính trị ở vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh của đất nước. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Ðảng, Quân đội đã làm tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Ở vai trò nào, nhiệm vụ nào người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” đều hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao, tiếp tục phát huy truyền thống Quân đội anh hùng trong thời bình.
Hành trình 80 năm sắt son với lời thề danh dự, là hành trang để cán bộ chiến sĩ, Quân đội nhân dân Việt Nam viết tiếp những trang sử vinh quang cho sự nghiệp “vì nước, vì dân”.
Ngày xuất bản: 25/11/2024
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN
Nguồn: https://nhandan.vn/doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-voi-loi-the-vi-nuoc-vi-dan-post846720.html