Ở trận gặp Indonesia vào ngày 19.1, HLV Troussier có thể sẽ đưa những gương mặt giàu kinh nghiệm Quang Hải, Tấn Tài hay Văn Toàn trở lại.
Tính toán của ‘Phù thủy trắng’
Đội tuyển Việt Nam đã bắn một mũi tên trúng ba đích ở trận ra quân gặp Nhật Bản tối 14.1. Trước hết, tỷ số thua 2-4 và việc không phải nhận thẻ phạt nào là kết quả có lợi cho thầy trò HLV Philippe Troussier trong cuộc cạnh tranh vé đi tiếp. Màn trình diễn tốt trước ứng viên vô địch cũng mang đến sự khích lệ lớn, trong bối cảnh toàn đội chịu áp lực.
Đồng thời, HLV Troussier vẫn giữ sức cho những quân bài quan trọng như Quang Hải, Văn Toàn hay Tấn Tài. Đây hứa hẹn là nhóm cầu thủ cốt lõi để chiến lược gia người Pháp xây dựng đấu pháp cho trận gặp Indonesia.
Vì sao Quang Hải, Văn Toàn không ra sân ở trận gặp Nhật Bản, mà HLV Troussier lại trao cơ hội cho Đình Bắc hay Thành Long, vốn non kinh nghiệm hơn? Quyết định dùng người của chiến lược gia người Pháp, thực ra nằm ở logic cầu thủ giỏi đá chính, cầu thủ kém hơn ngồi dự bị.
HLV Troussier đã nói rõ, với mỗi trận đấu, ông sẽ có tính toán con người và đội hình khác nhau. Đơn cử có những cầu thủ hợp với thế trận gặp Nhật Bản, và số còn lại sẽ hợp với bối cảnh cuộc so tài với Iraq. Trước Nhật Bản, ông Troussier cần những cầu thủ chăm chạy, giỏi đeo bám, có thể đá với cường độ rất cao trong cả trận. Đó là lý do dàn sao trẻ, trong đó tiêu biểu là Thái Sơn và Đình Bắc (hay bớt trẻ hơn một chút là Thành Long và Tiến Anh) ra sân.
Tuy nhiên, trận đấu gặp Indonesia rất khác. Đội tuyển Việt Nam có thể không cần những “máy chạy” để phục vụ lối chơi phòng ngự phản công, mà cần sự kiên trì, điềm tĩnh, tinh quái, bên cạnh ý tưởng để cầm trịch thế trận trước đối thủ đồng cân đồng lạng như Indonesia.
Nhìn trên khía cạnh này, những cầu thủ giàu kinh nghiệm, sở hữu kỹ năng hoàn thiện và rất hiểu Indonesia như Quang Hải, Văn Toàn là lựa chọn đầy tiềm năng.
Quang Hải đã đối đầu Indonesia ở nhiều cấp độ, trong đó có 2 trận ở đội U.22 Việt Nam, cùng 5 trận ở đội tuyển quốc gia. Văn Toàn thậm chí chạm trán U.19 Indonesia từ cách đây 11 năm, khi khoác áo U.19 Việt Nam đá giải U.19 Đông Nam Á.
Nhóm cầu thủ kinh nghiệm của HLV Troussier không chỉ “nhẵn mặt” với Indonesia trong nhiều năm thi đấu, mà còn có sự kiên nhẫn mà đôi khi lớp trẻ chưa có. Đây là phẩm chất cần thiết để mở khóa trận đấu mà Indonesia hứa hẹn chơi phòng ngự quyết liệt, đòi hỏi đội tuyển Việt Nam phải áp đặt thế trận, thay vì chơi cửa dưới như đá với Nhật Bản.
Đội tuyển Việt Nam cần ý tưởng
Các học trò của ông Troussier đã chứng minh khả năng luân chuyển bóng tốt, phối hợp nhóm nhuần nhuyễn, tốc độ khi bị đối thủ ép sân. Dễ thấy nền tảng đỡ bước một, chuyền một chạm, di chuyển trong phạm vi hẹp của các cầu thủ đã tăng lên đáng kể. Đây là bước đệm cho triết lý kiểm soát mà HLV người Pháp đang áp dụng.
Đội tuyển Việt Nam đã ghi 2 bàn vào lưới Nhật Bản nhờ tình huống cố định. Đây là “nước cờ” hợp lý khi Hùng Dũng cùng đồng đội phải gặp những đội rất mạnh, chỉ cầm bóng khoảng 30 đến 40% thời lượng. Khi ấy, tấn công càng đơn giản càng tốt.
Dù vậy, đối đầu với đội chơi phòng ngự “rắn mặt” kiểu Indonesia, đội tuyển Việt Nam sẽ cầm bóng nhiều hơn, cơ hội tấn công vì thế mà rộng mở. Song, học trò ông Troussier cần những miếng đánh đa dạng để khoan phá.
Đây cũng là yếu tố HLV Troussier từng đề cập: đội tuyển Việt Nam cần những pha phối hợp bóng sống có màu sắc, đường nét, thay vì trông cậy vào những tình huống ngẫu nhiên hay tỏa sáng cá nhân.
Với những chân sút có khả năng phối hợp và chạy chỗ chiến thuật như Tuấn Hải, Đình Bắc, Văn Toàn, cùng một tuyến tiền vệ có thể được bổ sung thêm kinh nghiệm khi Quang Hải trở lại, đội tuyển Việt Nam có đủ “bột”.
Trong những ngày qua, HLV Troussier đang nhào nặn những bài phối hợp mới, vừa dựa trên khuôn khổ chiến thuật, vừa linh hoạt tùy biến nhờ vào khả năng tư duy của cầu thủ.
HLV Troussier đã nghiên cứu rất kỹ Indonesia, bởi đây là đối thủ ban huấn luyện xác định là buộc phải thắng để đi xa tại Asian Cup. Tin rằng “Phù thủy trắng” sẽ dành cho đội bóng xứ vạn đảo bất ngờ thú vị.