Cụ thể, ở trận đấu với đội tuyển Nga vào ngày 5.9, đội tuyển Việt Nam thua bàn đầu tiên ở phút 24, sau pha đánh đầu cận thành của Kuzyayev. Còn ở trận đấu với Thái Lan ngày 10.9, bàn thua đầu tiên của đội tuyển Việt Nam (bàn gỡ hòa 1-1 của Thái Lan) cũng đến từ 1 tình huống bóng bổng: Patrik Gustavsson đón quả đá phạt của đồng đội, đánh đầu chuyền bóng cho Suphanat Mueanta dứt điểm vào lưới.Trước đó, hầu hết các trận đấu thuộc vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, gặp các đội Iraq và Indonesia, cũng như tại Asian Cup 2023, cũng trước các đội Iraq và Indonesia, đội tuyển Việt Nam thường xuyên thua trong các pha bóng bổng.
Nguyên nhân của các bàn thua từ những pha bóng tầm cao như thế này, thứ nhất đến từ thể hình của các cầu thủ Việt Nam tương đối bất lợi so với hầu hết các đội bóng quốc tế. Thứ nhì, đội tuyển Việt Nam không thường xuyên có các thủ môn giỏi khống chế bóng bổng. Ví dụ như thủ môn Đặng Văn Lâm dù có lợi thế về thể hình (cao 1,88 m), có kinh nghiệm khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng bắt bóng bổng lại là một trong những điểm yếu nhất của thủ môn này. Đặng Văn Lâm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bàn thua của đội tuyển Việt Nam, khi anh lao ra đón hụt bóng, để Kuzyayev của đội tuyển Nga đánh đầu mở tỷ số cho đội bóng xứ sở bạch dương, trong trận đấu diễn ra ngày 5.9 trên sân Mỹ Đình.
Thứ ba, khâu phối hợp giữa các hậu vệ, giữa thủ môn với những hàng hậu vệ của đội tuyển Việt Nam chưa tốt, nhất là khi đối thủ tổ chức các tình huống cố định. Họ càng có nhiều thời gian để ngắm nghía khu vực cấm địa của chúng ta, càng có nhiều thời gian phối hợp giữa người chuyền bóng và người dứt điểm, đội tuyển Việt Nam càng khó chống các tình huống bóng trên không: Bàn thua đầu tiên trong trận đấu với Thái Lan (từ pha đá phạt bên phía cánh trái) hôm 10.9 trên sân Mỹ Đình, bàn thua đầu tiên trong trận gặp Indonesia (từ pha đá phạt góc) ở vòng loại World Cup 2026, diễn ra hồi tháng 3, cũng trên sân Mỹ Đình.
Ngoài ra, cũng liên quan đến khâu phối hợp, ở các trận đấu vừa rồi, các hậu vệ biên cũng chơi chưa thật sự tốt, chưa làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn các pha tạt bóng từ 2 biên của đối thủ vào khu vực cấm địa của đội tuyển Việt Nam, khiến các trung vệ ở phía trong càng vất vả trong việc chống bóng bổng.
Đây đều là những điều mà đội bóng của HLV Kim Sang-sik cần nhanh chóng cải thiện, bởi tại AFF Cup 2024, có khá nhiều đội tuyển sở hữu dàn cầu thủ có thể hình cao lớn, giỏi không chiến. Số này phải kể đến các đội Indonesia, Philippines ở bảng B (bảng đấu của đội tuyển Việt Nam), cũng như Thái Lan, Malaysia và Singapore ở bảng A (các đối thủ mà đội tuyển Việt Nam có thể đụng độ nếu chúng ta vào bán kết và chung kết).
Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-tuyen-viet-nam-chua-the-lam-pha-san-diem-yeu-chi-mang-nay-noi-lo-chua-voi-185240913080231534.htm