Thật ra, HLV Shin Tae-yong (người Hàn Quốc) ở đội tuyển Indonesia ngỡ như đã bị sa thải đến nơi. Trước năm 2024, cụ thể là trước Asian Cup 2023, giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá xứ sở vạn đảo luôn đặt câu hỏi cho Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI), về việc giữ hay không giữ HLV Shin Tae-yong?
PSSI ngoài mặt ủng hộ vị HLV người Hàn Quốc, nhưng kỳ thực họ chưa gia hạn hợp đồng với ông Shin Tae-yong (hợp đồng hiện tại kết thúc sau tháng 6.2024). PSSI còn âm thầm chuẩn bị người thay thế khi cần, đó là HLV nội Indra Sjafri.
Ông Shin Tae-yong đến với đội tuyển Indonesia từ năm 2019, đến nay vẫn chưa giành được danh hiệu đáng kể nào. Trong khi đó, danh hiệu lớn duy nhất mà bóng đá Indonesia có được trong thời gian HLV Shin Tae-yong lưu lại xứ sở vạn đảo là ngôi vô địch SEA Games 32, thực chất thuộc về HLV nội Indra Sjafri.
Lương của ông Shin Tae-yong rất cao: Hơn 1,5 triệu USD/năm (hơn 37 tỉ đồng/năm, trước thuế), nhưng thành tích hầu như chỉ là con số 0. Việc HLV Shin Tae-yong đối diện với sức ép bị sa thải là điều khó tránh khỏi.
Kỳ thực, vị HLV người Hàn Quốc chỉ xoa dịu được dư luận bóng đá Indonesia trong vòng ít tháng trở lại đây, sau 3 chiến thắng liên tiếp trước đội tuyển Việt Nam, bao gồm 1 trận thắng tại vòng bảng Asian Cup 2023 (diễn ra hồi tháng 1.2024) và 2 trận thắng tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á (vào các ngày 21.3 và 26.3).
Có nghĩa là rủi ro của HLV Philippe Troussier lại là vận may của HLV Shin Tae-yong. Nếu HLV Troussier đánh bại đồng nghiệp người Hàn Quốc, người mất việc có thể HLV Shin Tae-yong chứ không phải HLV Troussier.
Với đội tuyển Thái Lan, cũng mới đây thôi họ phải loay hoay với bài toán tìm HLV trưởng. Tính từ thời điểm HLV Kiatisak Senamuang rời đội bóng đất Chùa Vàng, Thái Lan khủng hoảng mạnh ở vị trí HLV.
Chỉ trong vòng 4 năm, từ năm 2017 đến 2021, đội tuyển Thái Lan sử dụng đến 3 HLV, từ nội đến ngoại, từ châu Á đến châu Âu, lần lượt là các ông Milovan Rajevac (người Serbia), Sirisak Yodyarthai (người Thái Lan) và Akira Nishino (người Nhật Bản). Cả 3 đều thất bại theo nhiều cách khác nhau.
Riêng thời HLV Akira Nishino, hàng loạt ngôi sao của bóng đá xứ sở Chùa Vàng thể hiện thái độ tẩy chay đội tuyển. Những Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Pansa Hemviboon.. . khi đó thường xuyên cáo chấn thương trước thời điểm đội tuyển Thái Lan tập trung, nhưng sau đó lại thi đấu bình thường trong màu áo các CLB, như thể chưa hề có chấn thương nào xảy ra.
Trong khoảng thời gian này, Thái Lan thua từ đội tuyển Việt Nam cho đến Malaysia. Họ chỉ chưa… thua Indonesia, vì đôi bên khi đó ít gặp nhau và vì Indonesia thời điểm đó cũng đang khủng hoảng HLV như đã nêu ở trên.
Tình thế với đội tuyển Thái Lan khi đó khó khăn đến mức họ gần như mất niềm tin vào sự lựa chọn của chính mình. Đến cuối năm 2021, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đưa ra quyết định và soạn ra một bản hợp đồng có 1 không 2 trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp: Hợp đồng chỉ có thời hạn 4 tháng (từ tháng 10.2021 đến tháng 2.2022, tức đến hết AFF Cup 2020) dành cho HLV Mano Polking.
Cũng phải đến thời HLV Mano Polking, chuỗi ngày khủng hoảng HLV trưởng ở đội tuyển Thái Lan mới chấm dứt. Cũng may là HLV Mano Polking thành công với bóng đá Thái Lan, cho dù ban đầu khi FAT lựa chọn HLV Mano Polking, họ chỉ xem đây là giải pháp tình thế, với bản hợp đồng siêu ngắn hạn như đã nói.
Nói thế để thấy rằng, chuyện thăng – trầm bóng đá chuyên nghiệp là chuyện có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất cứ nền bóng đá nào. Chuyện chọn sai HLV dù đúng là sai lầm đối với những nhà tuyển chọn, nhưng cũng không phải là chuyện hiếm trong thế giới bóng đá.
Nền bóng đá nào cũng có thể sai, chưa chắc HLV cao giá (Shin Tae-yong) đã thành công, chưa hẳn HLV châu Âu hay châu Á, HLV nào phù hợp hơn với các đội Đông Nam Á (trường hợp của đội tuyển Thái Lan). Cũng chưa hẳn HLV tạm quyền là HLV tồi (Mano Polking thành công ở Thái Lan với bản hợp đồng gần như tạm quyền). Điều quan trọng là cách sửa sai sau mỗi lần thất bại!