(Dân trí) – 20 năm trước tại Euro 2004, đội tuyển Anh sử dụng Paul Scholes bên cánh trái nhưng không thành công. Bài toán nhân sự tương tự trở lại với trường hợp Phil Foden và Jude Bellingham.
Lịch sử chứng minh, những đội bóng thành công trong thế kỷ này thường sử dụng tiền vệ trung tâm hiệu quả bên cánh trái.
Về mặt chiến thuật, nỗi thất vọng và sự hấp dẫn của bóng đá cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG) đến từ cùng một khái niệm: HLV trưởng bị bó hẹp bởi nhóm cầu thủ cụ thể và hạn chế phương án lựa chọn. Trong khi HLV ở cấp CLB giải quyết điểm yếu bằng cách chiêu mộ tân binh, HLV cấp ĐTQG chỉ có cách duy nhất là đối phó.
Do đó, tình thế tiến thoái lưỡng nan chung của các HLV khi gặp vấn đề về vị trí nào đó trên sân là: hoặc chọn cầu thủ đúng sở trường nhưng không cùng đẳng cấp với đồng đội, hoặc sử dụng cầu thủ đẳng cấp nhất có thể ở vị trí khác và buộc anh ta phải tự điều chỉnh. Trong vài thập niên qua, phương án thứ hai đem đến thành công nhiều hơn.
Với đội tuyển Anh, một trong những vấn đề của HLV Southgate là ở cánh trái. Thực tế HLV Southgate thẳng tay loại bỏ 3 cái tên sáng giá có thể đảm đương xuyên phá tại tả biên là Marcus Rashford, Jack Grealish và Raheem Sterling.
Phong độ trồi sụt tại CLB khiến những cầu thủ này bị loại khỏi danh sách dự Euro 2024. Một sự mạo hiểm nhưng lại phù hợp với tôn chỉ tuyển chọn mọi người hâm mộ mong muốn: các cầu thủ được triệu tập dựa trên phong độ thay vì danh tiếng.
Trong đội hình tuyển Anh, hai cái tên có sở trường chơi ở hành lang trái là Anthony Gordon và Eberechi Eze. Gordon vừa trải qua một mùa giải ấn tượng tại Newcastle, chủ yếu nhờ tốc độ và lối chơi trực diện.
Trong khi đó, Eze luôn tạo sự khác biệt mỗi khi xuất hiện trên sân, mặc dù mùa giải vừa qua cầu thủ này chỉ đá chính 2/3 số trận tại Premier League vì ảnh hưởng của chấn thương.
Cầu thủ 25 tuổi này cũng không phải chân leo biên thực thụ, Eze tỏ ra thoải mái hơn khi được sử dụng ở vị trí “số 8” hoặc “số 10”. Dù là mẫu cầu thủ có biệt tài rê dắt bóng, Eze chưa hẳn phù hợp hoàn toàn.
Vì thế, có thể hiểu dụng ý của Southgate khi đẩy Phil Foden ra thi đấu ở vị trí này. Vị trí “số 9” của Harry Kane là không phải bàn cãi. “Số 10” thuộc về Bellingham càng không thể đụng đến. Bukayo Saka là mũi tấn công đáng gờm nhất của tuyển Anh ở trận gặp Serbia và quen chơi ở cánh phải. Do đó, có lẽ cần bố trí Foden bên trái.
Nỗi oan của Scholes và HLV Eriksson
Tình huống và cách xếp đặt này gợi nhớ tới đội tuyển Anh của 20 năm trước. Tại kỳ Euro 2004, HLV Sven Goran Eriksson đã bố trí Paul Scholes chơi ở vị trí tiền vệ cánh trái. Cách xếp đặt này bị chỉ trích thiếu hợp lý và trở thành biểu tượng cho sự vụng về chiến thuật, tuy nhiên đặt trong bối cảnh khi ấy, nhà cầm quân người Thụy Điển có cái lý riêng.
Thứ nhất, Scholes có phong độ kém cỏi trong màu áo đội tuyển Anh trong 2 năm liền và là cầu thủ bị nhiều người hâm mộ đòi loại bỏ nhất. Giữ Scholes là cách thể hiện niềm tin. Thứ hai, Scholes không ít lần chơi tốt ở cánh trái trong màu áo Man Utd.
Thứ ba, Scholes chưa phải là mẫu cầu thủ kiến thiết lùi sâu như sau này. Ở độ tuổi sung mãn nhất, “số 18” của Man Utd là tiền vệ tấn công có khả năng săn bàn đáng nể. Thứ tư, cả Steven Gerrard và Frank Lampard đều là mẫu tiền vệ trung tâm có xu hướng lùi sâu hơn và trên lý thuyết là bộ đôi hoàn hảo cho trung tuyến.
Thứ năm, khả năng leo biên xuất sắc của Ashley Cole tạo điều kiện cho tiền vệ cánh trái của đội tuyển Anh có thể thường xuyên bó vào trung lộ. Thứ sáu, thực ra HLV Eriksson muốn sử dụng sơ đồ hình thoi (4-1-2-1-2) nhưng các tuyển thủ muốn “Tam sư” sử dụng sơ đồ quen thuộc 4-4-2 và thuyết phục thành công ông thầy người Thụy Điển.
Thứ bảy, quan trọng nhất, đội tuyển Anh thực sự thi đấu ấn tượng tại Euro 2004. Nếu không vì chấn thương bất ngờ của “thần đồng” Wayne Rooney, có lẽ “Tam sư” đã tiến xa hơn vòng tứ kết, nơi họ cũng chỉ thua chủ nhà Bồ Đào Nha sau loạt đá luân lưu may rủi.
Nhưng dù sao, chủ đề chung trong sự thất bại của đội tuyển Anh tại các giải đấu lớn là không thể đối phó vấn đề về vị trí như các đội bóng khác. Thú vị hơn, đặc điểm chung của các ĐTQG thành công nhất tại các kỳ World Cup gần đây là sử dụng hiệu quả các tiền vệ trung tâm/tấn công ở vị trí cánh trái.
Iniesta, Ozil và những tiền vệ trung tâm tỏa sáng bên cánh trái
Với Italy tại World Cup 2006 là Simene Perrotta, một tiền vệ con thoi thuận chân phải của AS Roma. Perrotta thường xuyên bó vào trung lộ để hậu vệ cánh trái là Fabio Grosso dâng cao tấn công và có một giải đấu bùng nổ.
Với Tây Ban Nha tại World Cup 2010 là Andres Iniesta. Iniesta không thoải mái khi phải dạt hẳn ra biên nhưng đôi khi được sử dụng ở vị trí này, đặc biệt là ở các trận đấu quan trọng của Barca dưới thời Pep Guardiola.
Thực ra, kế hoạch ban đầu của HLV Vicente Del Bosque là đẩy tiền đạo David Villa dạt sang trái, tuy nhiên vì trung phong Fernando Torres sa sút phong độ, Villa lại được kéo về trung lộ.
Iniesta gánh vác nhiều trọng trách tấn công hơn cho ĐTQG và di chuyển bó vào trong cực kỳ hiệu quả, bao gồm tình huống ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết.
Với Đức tại World Cup 2014 là Mesut Ozil. Ozil vốn là “số 10” của Die Mannschaft, nhưng các vấn đề chiến thuật khác khiến HLV Joachim Low chuyển từ sơ đồ 4-2-3-1 sang 4-3-3 và không còn vị trí cho Ozil.
Thực tế cầu thủ này cảm thấy không thoải mái và thi đấu ít nổi bật khi phải dạt trái, kể cả trong chiến thắng 7-1 vang dội trước Brazil, với hầu hết bàn thắng khởi phát từ cánh phải. Cho dù vậy, việc sử dụng cầu thủ đẳng cấp cao dù không đúng vị trí sở trường vẫn thường đem lại hiệu quả.
Với đội tuyển Pháp tại World Cup 2018 là Blaise Matuidi, mẫu cầu thủ cần cù (tương tự Perrotta) hơn là thiên về sáng tạo như Iniesta hay Ozil. Sự hiện diện của Matuidi bên cánh trái đã tạo ra sự cân bằng để Kylian Mbappe bùng nổ bên cánh đối diện.
Argentina tại World Cup 2022 là ngoại lệ. Angel Di Maria chơi đúng vị trí sở trường ở trận chung kết. Dù vậy, cách bố trí của HLV Lionel Scaloni vẫn gây nên bất ngờ. Tại giải đấu này, Di Maria thường chơi bên phải, người án ngữ cánh trái là Alexis Mac Allister.
Nếu nhìn lại các nhà vô địch Euro gần đây, cũng khó tìm thấy tiền vệ cánh trái đúng nghĩa. Tây Ban Nha năm 2008 và 2012 sử dụng Iniesta hoặc David Silva. Bồ Đào Nha sử dụng sơ đồ 4-1-2-1 tại Euro 2016, với hậu vệ biên dâng cao và Cristiano Ronaldo thường xuyên dạt sang trái.
Tương tự, Italy năm 2020 sử dụng tiền đạo cánh nghịch chân Lorenzo Insigne kết hợp hậu vệ biên dâng cao là Leonardo Spinazzola.
Do đó, thật khó tìm thấy tiền vệ cánh trái “đúng nghĩa” tại các nhà vô địch Euro hay World Cup trong thế kỷ này. Việc HLV Southgate sử dụng Foden vì thế cũng làm liên tưởng tới nỗi ám ảnh Scholes, cũng như trường hợp Iniesta hoặc Ozil.
Bố trí Foden và Bellingham như thế nào?
Tuy nhiên, vấn đề khác của “Tam sư” là đội bóng này đang thiếu hậu vệ cánh trái đẳng cấp. Luke Shaw là phương án khả dĩ nhất lại chưa thể ra sân. Nhưng nếu Southgate kiên trì với cách bố trí này, thì có lý do để dùng Bellingham thay vì Foden bên trái.
Cần lưu ý, Bellingham bắt đầu hành trình thăng hoa tại Real Madrid ở vị trí “số 10” hoặc “số 9 ảo” nhưng ở giai đoạn cuối mùa, cầu thủ này thường xuyên dạt sang cánh trái, với Vinicius và Rodrygo là cặp tiền đạo.
Hơn nữa, nếu ý tưởng của đội tuyển Anh là cầu thủ cánh trái thường xuyên bó vào trung lộ thì việc ai chơi ở vị trí “số 10” chỉ là lý thuyết. “Số 10” Bellingham có thể dạt trái như vẫn thường làm trong khi tiền vệ cánh trái Foden được phép bó sâu vào trung lộ như sở trường. Nếu cách vận hành này hiệu quả, tuyển Anh sẽ tiến rất xa.
Dantri.com.vn
Nguồn:dantri.com.vn/the-thao/doi-tuyen-anh-noi-am-anh-scholes-va-bai-hoc-tu-iniesta-ozil-20240620100457072.htm