Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Lê Ngọc Châu, chiều nay (26/11) tổ chức đối thoại với 351 nông dân, đại diện cho hơn 392.000 hội viên, nông dân trong toàn tỉnh. Hội nghị có chủ đề “Khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế, hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững”. 

Tại buổi đối thoại, ông Lê Ngọc Châu đánh giá, sản xuất nông nghiệp của Hải Dương đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. 

Hải Dương là địa phương điển hình trong sản xuất nông nghiệp của cả nước với nhiều ưu thế, là tỉnh thứ 5 được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

W-Châu nông dân 3.jpeg

Đại diện hơn 392.000 hội viên, nông dân trong toàn tỉnh tham dự buổi đối thoại.

Nhắc lại những tổn thất về sản xuất nông nghiệp trong đợt bão lũ lịch sử tháng 9 vừa qua, Chủ tịch tỉnh Hải Dương ghi nhận nỗ lực kiên cường của bà con nông dân trong tỉnh. Nông dân Hải Dương đã vượt khó vươn lên, khẩn trương khôi phục sản xuất.

9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 16.905 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước.

“Đây là công sức to lớn của bà con nông dân, kết quả mang lại ngoài mong đợi”, ông Châu nhấn mạnh.

Vị chủ tịch tỉnh Hải Dương cho hay, bản thân ông vừa nhận công tác ở cương vị mới, còn nhiều lạ lẫm. Buổi gặp gỡ hôm nay là cơ hội để ông và lãnh đạo tỉnh học hỏi, hiểu thêm về sản xuất nông nghiệp và tâm tư của người dân địa phương.

Cấp mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu bền vững

Có 12 ý kiến của nông dân, lãnh đạo hội nông dân gửi tới lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng kinh tế nông thôn và xây dựng thương hiệu nông sản bền vững.

W-Châu nông dân 2.jpeg
Nông dân Hải Dương muốn được hỗ trợ chuyển đổi số và làm thương hiệu, gắn với du lịch.

Nhiều nông dân mong được hỗ trợ chuyển đổi số, cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. 

Bão số 3 vừa qua khiến một số công trình thuỷ lợi, đê điều gặp sự cố, bà con nông dân bày tỏ mong muốn được đầu tư, nâng cấp và có chính sách duy tu, bảo dưỡng các công trình này.

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp tại tỉnh bị thu hồi lớn, một bộ phận nông dân phải dịch chuyển sang ngành nghề khác. Vì vậy, có ý kiến thắc mắc về việc UBND tỉnh đã có chính sách gì cho đào tạo nghề, đào tạo lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm mới. Đồng thời, đề nghị tỉnh bổ sung nguồn vốn để giải quyết vấn đề việc làm cho nông dân.

Trước các đề xuất, kiến nghị của nông dân, ông Lê Ngọc Châu yêu cầu các ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hỗ trợ bà con, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. 

Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ hội ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ chi hội có uy tín, trách nhiệm, có kinh nghiệm. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. 

W-Châu nông dân.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tuyên dương tinh thần vượt bão số 3, thi đua sản xuất giỏi.

Chủ tịch tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các cấp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số theo yêu cầu thực tiễn khách quan, xây dựng giá trị chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh nông sản. Chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn. Hỗ trợ nông dân thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tuần hoàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Ông giao Sở NN-PTNT tỉnh tiếp thu các ý kiến tại hội nghị đối thoại để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp và chính sách mới phù hợp. 

Sở Công Thương cần thực hiện tốt vai trò là đầu mối kết nối giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông. Sở KH-CN hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Sở TN&MT tham mưu tổ chức, thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính phục vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng lớn, vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn.