Phóng viên (PV): Năm nay rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ nhận được tiền bán tín chỉ carbon. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Trần Quang Bảo: Năm 2020, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), đơn vị nhận ủy thác của Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Thỏa thuận này nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) giai đoạn 2018-2025 cho Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp, với tổng số tiền là 51,5 triệu USD. Bên cạnh đó, khoảng 95% lượng giảm phát thải được chuyển nhượng này sẽ được chuyển lại cho Việt Nam đóng góp vào NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định).

 Ông Trần Quang Bảo. Ảnh: DIỆP ANH

Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành các điều kiện hiệu lực để việc chuyển nhượng và thanh toán giảm phát thải được thực thi. Bộ NN-PTNT đang tích cực làm việc với WB để thúc đẩy nhanh quá trình xác minh, thẩm định kết quả giảm phát thải và thanh toán tiền theo ERPA đã ký. Dự kiến, nguồn tiền này sẽ chuyển về Việt Nam trong quý III-2023 để thực hiện chi trả cho các chủ rừng theo quy định.

Nguồn tiền ý nghĩa này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng, tổ chức, cá nhân, đơn vị trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; giúp duy trì, nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của rừng khu vực Bắc Trung Bộ.

PV: Tiền từ bán tín chỉ carbon rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ được chi trả cho các chủ rừng như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Bảo: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là đơn vị được Chính phủ giao tiếp nhận và quản lý nguồn thu từ ERPA. Khi nhận được nguồn tiền này, trên cơ sở kết quả giảm phát thải và diện tích rừng tự nhiên của từng địa phương, Quỹ sẽ thực hiện điều phối tiền về 6 tỉnh theo quy định. Số tiền mỗi tỉnh nhận được là khác nhau. Sau đó, với nguồn tiền được điều phối, quỹ bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh sẽ thực hiện chi trả cho các ban quản lý, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, UBND xã… được giao quản lý rừng tự nhiên và những cộng đồng tham gia bảo vệ rừng với chủ rừng.

Đối với từng đối tượng hưởng lợi cụ thể, số tiền nhận được sẽ được quản lý, sử dụng, chi theo đúng hướng dẫn đã quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28-12-2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Việc quản lý, sử dụng nguồn tiền này cũng được kiểm tra, giám sát định kỳ, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Việc thực hiện chi trả nguồn tiền ERPA giống như nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng hiện nay theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16-11-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, điểm khác là số tiền chi trả được ưu tiên sử dụng cho các hoạt động quản lý rừng (khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư).

 Khu rừng trồng ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Rừng khu vực Bắc Trung Bộ đã bán được tín chỉ carbon. Đây là bước khởi đầu tốt đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta. Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để tiến tới xây dựng, hình thành thị trường tín chỉ carbon, thưa ông?

Ông Trần Quang Bảo: Thị trường carbon đã được đề cập tại một số văn bản, tuy nhiên, vẫn thiếu những quy định cụ thể. Do đó, ưu tiên cấp thiết hiện nay là cần nhận diện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp để hình thành, vận hành thị trường carbon.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon là văn bản pháp lý đầu tiên có những quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước được xây dựng, thí điểm, tăng cường năng lực từ nay đến hết năm 2027 và sẽ tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028. Hiện tại, Bộ Tài chính đang chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án phát triển thị trường carbon trong nước để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Để tham gia thị trường carbon trong nước và thế giới, Cục Lâm nghiệp đang tham mưu với Bộ NN-PTNT chỉ đạo, triển khai thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát cho khu vực có tiềm năng khác. Với lợi thế về tài nguyên rừng, ngành lâm nghiệp Việt Nam có tiềm năng, điều kiện để tham gia thị trường carbon rừng trong nước và quốc tế nhằm huy động nguồn lực tái đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng.

 PV: Ông có thể cho biết ngoài khu vực Bắc Trung Bộ, tiềm năng rừng ở Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon ra sao?

Ông Trần Quang Bảo: Trong lĩnh vực lâm nghiệp hiện có phát thải ròng âm, có tiềm năng tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế sau khi thực hiện nghĩa vụ đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Ngoài vùng Bắc Trung Bộ thì các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có tiềm năng lớn giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon tạo ra từ rừng. Các loại rừng khác như rừng trồng tập trung, đặc biệt rừng ngập mặn đều có khả năng hấp thụ carbon.

Cục Lâm nghiệp đang xây dựng thông tư kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định để hướng dẫn xác định tiềm năng tín chỉ carbon có thể thương mại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ của ngành. Cục Lâm nghiệp hiện được Bộ NN- PTNT giao xây dựng đề án đàm phán thỏa thuận mua bán giảm phát thải khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trình Thủ tướng Chính phủ để tiến hành thương mại tín chỉ carbon rừng với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp (Emergent). Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022-2026. LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/tấn carbon.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.