Đối thoại Biển lần thứ 12 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tổ chức trong vòng 1 ngày, với tổng cộng 4 phiên thảo luận.
Phiên đầu tiên phân tích sự cần thiết để kết nối các tuyến đường biển trọng yếu để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phiên này tập trung thảo luận về tầm quan trọng của đảm bảo sự kết nối và khả năng phục hồi ở Biển Đông, các sáng kiến kết nối biển; giải pháp đảm bảo sự thông suốt hoặc ứng phó trong trường hợp các tuyến đường biển bị “phong tỏa”; tăng cường khả năng kết nối giữa Biển Đông và các tuyến đường biển khác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Phiên thứ hai về cảng biển thông minh bền vững, vốn được xác định là xu hướng không thể đảo ngược trong nền kinh tế biển xanh.
Nội dung của phiên 2 tập trung chia sẻ về những kinh nghiệm và thực tiễn hiệu quả về cách thiết lập mạng lưới cổng, cả bên trong và bên ngoài cũng như cách kết nối với thế giới thông qua mô hình cảng biển thông minh bền vững; xác định những yếu tố then chốt đảm bảo sự thành công của cảng thông minh và những trở ngại trong quá trình vận hành cảng biển thông minh; mô hình kết nối cảng biển tại khu vực và thế giới.
Vào đầu giờ chiều, phiên thứ ba được triển khai, nhằm đặt ra các vấn đề thảo luận liên quan đến những xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số có thể hỗ trợ kết nối hàng hải; và cách thức các quốc gia có thể ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa mới nổi cũng như tận dụng công nghệ cao để đảm bảo kết nối đáng tin cậy và an ninh hàng hải.
Phiên thứ tư, cũng là phiên cuối cùng, bao gồm các nội dung kết nối mạng lưới hành lang xanh trên không gian biển.
Phiên 4 sẽ tập trung trao đổi về chia sẻ kinh nghiệm và thách thức trong việc xây dựng hành lang xanh, đánh giá tác động của hành lang xanh; thảo luận về cách kết nối các hành lang xanh bằng cách tìm kiếm những con đường hoặc lĩnh vực mới thay vì lĩnh vực vận tải biển, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và kết nối hàng hải (môi trường, chuyển đổi năng lượng…).