Tháng 5 về, khi cái nắng vàng bắt đầu oi ả, khi gió Lào phả từng cơn bỏng rát đến cháy da, thì trên mọi con đường đổ về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An lại đông đúc hơn thường lệ.
Thế nhưng, chỉ cần bước chân vào cổng Làng Sen, được phủ mát bởi những hàng cây cổ thụ xanh mát, dường như bao nhiêu sự mệt mỏi của ngày nắng đang dần tan biến. Hai bên đường, đi đâu cũng thấy sắc hồng của hoa sen đang thì trổ bông, thơm ngát nối dài từ quê nội Làng Sen sang quê ngoại Hoàng Trù.
Hoa sen không chỉ làm nên cảnh sắc tươi đẹp cho Kim Liên, mà còn góp phần thay đổi cuộc sống và đồng hành cùng người dân địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Sen Quê Bác, chia sẻ rằng, mặc dù ban đầu việc trồng sen trên diện rộng tại Nghệ An gặp phải nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, nhưng khi cây giống đã bén rễ và phát triển, hoa sen ở vùng này lại mang một sự khác biệt đặc trưng, với hương thơm đặc trưng và vẻ đẹp thuần khiết.
“Cây sen đã tạo ra cơ hội phát triển kinh tế du lịch cho địa phương, khi Kim Liên đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách tới tham quan và thưởng ngoạn”, anh Tiến cho biết.
Việc phát triển cây sen cũng góp phần tạo ra một môi trường sinh thái sạch đẹp và giàu ý nghĩa trên quê hương của Bác. Sen quê Bác luôn nở rộ vào tháng 5, như một món quà thiên nhiên ban tặng để dâng lên mừng sinh nhật Người.
Cũng vì vậy, ngày càng nhiều gia đình ở Làng Sen chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sen, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm tạo cảnh quan thiên nhiên đặc trưng nơi đây.
Chị Trần Thị Thế, người trồng sen nhiều năm qua ở Kim Liên cho biết, từ khi xã có dự án trồng và chăm sóc sen, gia đình chị đã nhận hơn 3 hécta ao sen trong xã. Từ đó, gia đình có thêm thu nhập hàng ngày nuôi con ăn học, thêm nữa, chị còn rất tự hào về cảnh quan quê hương.
“Ngày trước các hồ đập bỏ trống để ao bèo phát triển. Từ khi có sen phủ kín, mọi người xung quanh cảm nhận được không khí trong lành, vẻ đẹp của sen và nâng cao ý thức bảo vệ mội trường, tăng thêm thu nhập cho gia đình”, chị Thế nói thêm.
Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch xã Kim Liên cho biết, năm 2014, Kim Liên là xã đầu tiên của huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Kim Liên được UBND tỉnh Nghệ An chọn để xây dựng là xã nông thôn mới kiểu mẫu.
“Vinh dự, tự hào, nhưng cũng rất áp lực. Thế nhưng, nhờ quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đoàn kết chung sức, đồng lòng nên đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực và chính thức cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023”, Chủ tịch xã Kim Liên cho biết.
Sau nhiều năm thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Kim Liên đã đổi thay rõ nét. Kinh tế – xã hội của xã phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông – lâm – thủy sản được quan tâm thực hiện và đầu tư hỗ trợ phát triển, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phát huy có hiệu quả.
Bên cạnh tập trung chỉ đạo sản xuất lúa, xã đã chú trọng phát triển sản xuất các cây màu như ngô, đậu các loại, cây rau làm hàng hóa đem lại giá trị thu nhập cao. Các hợp tác xã trên địa bàn đã đầu tư công nghệ, vốn để sản xuất rau màu cao cấp trong nhà màng, sản xuất các sản phẩm từ cây sen từ đó tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho các xã viên cũng như người lao động trên địa bàn.
Đến nay, xã Kim Liên đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu, với nhiều tiêu chí nổi trội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm qua của xã đạt 7,75%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Tỷ trọng ngành nông – lâm – thủy sản chiếm 27,68%; tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 33,65%; tỷ trọng dịch vụ chiếm 38,67%. Xã đã có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Đặc biệt, xã Kim Liên đã tập trung xây nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, truyền thống yêu nước, gắn với phát triển du lịch tham quan học tập”.
Trong nhiều năm qua, Kim Liên đã bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như các di tích văn hóa lịch sử cách mạng, các lễ hội truyền thống, dân ca Ví, Giặm… gắn với phát triển du lịch. Từ đó, tuyên truyền vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện, để du khách về thăm quê Bác luôn cảm thấy gần gũi, thân quen.
Bên cạnh đó, xã cũng đã tập trung phát triển một số mô hình du lịch trải nghiệm, tham quan học tập cộng đồng; xây dựng và phát triển các tour du lịch trên địa bàn…
“Để phát triển du lịch trên địa bàn, trong những năm qua, xã Kim Liên đã tập trung đầu tư xây dựng các điểm nhấn trong khu dân cư như kè các dãy ao sen, xây dựng xóm sáng – xanh – sạch – đẹp, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn để trở thành các sản phẩm OCOP”, ông Lộc cho biết.
Đại diện xã khẳng định, sự phát triển của Kim Liên sẽ là điểm sáng tạo, góp phần động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/doi-thay-tren-que-huong-bac-a664311.html