Ưu tiên “vùng trũng”
Buôn 9 là buôn đặc biệt khó khăn của xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô. Toàn buôn có 320 hộ, hơn 1.300 khẩu, trong đó đồng bào DTTS là 115 hộ, hầu hết là dân tộc M’Nông. Triển khai Chương trình MTQG 1719, xã Đắk Đrô đã tập trung nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho buôn 9, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân.
Theo ông Mai Văn Thương, Trưởng buôn 9, trước đây, trục đường chính của buôn không có hệ thống thoát nước, địa hình đồi dốc, bùn lầy, mùa mưa di chuyển khó khăn. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 tuyến đường của buôn đã được nâng cấp, mở rộng gần 600m, tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, buôn 9 còn được tu sửa Nhà văn hóa cộng đồng và cấp 39 bồn nước cho hộ nghèo.
Không chỉ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, bà con ở buôn 9 còn được hỗ trợ con giống, tạo sinh kế lâu dài. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, cuối năm 2023, buôn 9 được hỗ trợ 15 con bò tạo sinh kế cho hộ nghèo phát triển kinh tế.
Như gia đình anh Y Mblúch, nhà có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có vài sào rẫy trồng cà phê cách xa nhà, không chủ động nguồn nước nên năng suất chẳng được bao nhiêu. Hai vợ chồng quanh năm đi làm thuê nuôi con ăn học.
Anh Y Mblúch chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ bò, lại còn được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho bò rất tận tình, vợ chồng tôi vui lắm. Bò mới đưa về chưa cho ra đồng chăn thả được, hằng ngày mình đi cắt cỏ về cho bò ăn. Thấy bò lớn lên vợ chồng mình cũng mừng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Thiệu, Chủ tịch UBND xã Đắk Đrô cho biết: Toàn xã có 8 thôn, buôn thì hiện chỉ còn buôn 9 là buôn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, xã tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho bà con buôn 9 ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Nhờ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, đến nay buôn 9 đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Nhiều hộ gia đình trong buôn đã xây nhà cửa kiên cố.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, năm 2022 và 2023, huyện Krông Nô đã hỗ trợ đất ở cho 17 hộ, nhà ở cho 21 hộ, chuyển đổi nghề cho 8 hộ, bồn chứa nước cho 163 hộ, 3 công trình nước sinh hoạt tập trung; định canh định cư tập trung cho 113 hộ xã Quảng Phú; hỗ trợ bò sinh sản cho 157 hộ; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 14 hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu; khôi phục 5 lễ hội truyền thống, xây dựng được 4 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, 2 đội văn nghệ truyền thống và 5 Nhà văn hóa…
Những tín hiệu vui
Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS ở nhiều xã trên địa bàn huyện Krông Nô ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ổn định, phát triển. Các công trình hạ tầng thiết yếu được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân; nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ cây con giống phát huy hiệu quả… đã góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS.
Nâm Nung trước đây là xã khó khăn của huyện Krông Nô, kinh tế chậm phát triển, hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao. Toàn xã có 6 thôn, bon với hơn 1.900 hộ dân, hơn 8.000 nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm gần 60%, trong đó dân tộc M’Nông hơn 40%.
Năm 2022 và 2023, huyện giao chỉ tiêu cho xã giảm 54 hộ nghèo. Nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 cùng nhiều chương trình hỗ trợ khác, xã đã giảm 64 hộ, đưa số hộ nghèo từ 128 hộ xuống còn 73 hộ. Năm 2024, xã tiếp tục triển khai các chương trình, đề án giúp người dân thoát nghèo, trong đó có hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế, chuyển đổi nghề từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.
Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung H’Thương chia sẻ: “Chăm lo phát triển kinh tế, cuộc sống của bà con đồng bào M’Nông ngày càng ổn định, nhiều hộ tích cực giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện nay, Nâm Nung là địa phương có nhiều nghệ nhân nhất nhì huyện, các đội cồng chiêng của đồng bào M’Nông tại các buôn thường xuyên hoạt động, tham gia các chương trình nghệ của huyện, tỉnh”.
Ông Ngân Thanh Hải, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Nô, khẳng định, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện đã làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo, đồng bào DTTS có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia thực hiện các Chương trình MTQG nhằm phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo.