Quốc hội vừa bấm nút thông qua dự án luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1.7.2024), để thay thế cho luật CCCD. Với việc đổi tên gọi từ luật CCCD sang luật Căn cước, thẻ CCCD cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.
Hiện có nhiều loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại, gồm: chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, thẻ CCCD mã vạch, thẻ CCCD gắn chip.
Việc có thêm một loại giấy tờ tùy thân nữa mang tên thẻ căn cước khiến nhiều người băn khoăn: CMND hoặc thẻ CCCD đã cấp có còn hiệu lực, có phải đi làm lại?
Vẫn dùng cho đến khi hết hạn
Liên quan đến vấn đề trên, luật Căn cước dành riêng điều 46 để quy định về điều khoản chuyển tiếp.
Theo đó, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1.7.2024) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Đối với CMND còn thời hạn sử dụng, luật nêu rõ là được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Một câu hỏi khác được đặt ra: hết ngày 31.12.2024, các loại CMND sẽ hết giá trị sử dụng, nhưng tới 1.7.2024 luật mới có hiệu lực (để cấp thẻ căn cước – PV); vậy trong thời gian chờ này, người dân sử dụng giấy tờ tùy thân như thế nào?
Khoản 3 điều 46 luật Căn cước quy định: thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15.1.2024 đến trước ngày 30.6.2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.6.2024.
Trước đó, khi thảo luận về dự án luật Căn cước, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục đổi tên luật và tên thẻ thành căn cước.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, việc đổi tên thành thẻ căn cước cũng giúp công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự.
“Nội dung này Đảng Đoàn Quốc hội đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi luật Căn cước, thẻ căn cước như Chính phủ trình”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin.
9 năm qua, thẻ CCCD đã thay đổi như thế nào?
Năm 2014, Quốc hội ban hành luật CCCD, đến 1.1.2016 thì có hiệu lực thi hành. Bộ Công an triển khai cấp thẻ CCCD gắn mã vạch cho công dân, thay thế cho CMND 9 số và 12 số.
Do hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật, thời điểm này chỉ có 16/63 tỉnh, thành phố đủ điều kiện để thực hiện thí điểm cấp CCCD mã vạch. Tại 47 địa phương còn lại, việc cấp CMND vẫn thực hiện theo quy định cũ.
Điều này dẫn tới có 3 loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm: CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD mã vạch.
Năm 2021, Bộ Công an triển khai cấp thẻ CCCD gắn chip thay cho CCCD mã vạch. CCCD gắn chip được đánh giá có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn so với CCCD mã vạch.
CCCD gắn chip còn cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, sinh trắc học, mật khẩu một lần…
Để hoàn thành mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip trước tháng 7.2021, lực lượng công an trên toàn quốc đã làm việc ngày đêm, bao gồm cả cuối tuần. Người dân liên tục được khuyến khích đi làm thủ tục, nhiều đợt cấp CCCD lưu động được triển khai trên tận cấp xã, phường.
Do số lượng thẻ cần cấp là rất lớn, một số phát sinh không mong muốn đã xảy ra, bao gồm việc chậm trả thẻ CCCD, thông tin trên thẻ bị sai, dữ liệu trên hệ thống chưa chính xác…
Tính đến nay, bằng nỗ lực của ngành công an và cả phía người dân, Bộ Công an đã cấp được 83 triệu thẻ CCCD gắn chip. Điều này cũng dẫn tới có 4 loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.
Tới đây, khi luật Căn cước có hiệu lực (1.7.2024), thêm một mẫu giấy tờ tùy thân mới, với tên gọi là căn cước, sẽ được ban hành.