Thấy gì sau hiện tượng báo cáo tài chính liên tục thay đổi? | |
Đâu là tâm điểm mùa đại hội cổ đông |
Mùa Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 hai ngân hàng LienVietPostBank và Vietcapital Bank xin ý kiến cổ đông cho phép đổi tên viết tắt ngân hàng bằng tiếng Anh thống nhất cách gọi tên.
Trong đó, Ngân hàng Bản Việt xin ý kiến cổ đông đổi tên viết tắt tiếng Anh từ “Vietcapital Bank” thành “BVBank”. Nguyên do, tên viết tắt tiếng Anh là Vietcapital Bank trước đây do một cổ đông lớn có các đơn vị liên quan cùng cùng tên như Công ty chứng khoán Viet Capital Securities, Quỹ đầu tư Vietcapital… “Tên viết tắt Vietcapital Bank khá dài, khó nhận diện ngân hàng cho khách hàng gửi tiền, vay vốn và sử dụng các dịch vụ…”, một thành viên Ban điều hành ngân hàng nói với Thời báo Ngân hàng. Đặc biệt, mã chứng khoán Ngân hàng Bản Việt hiện nay đã có tên viết tắt BVB đang giao dịch trên UpCom và cũng lên kế hoạch dự kiến chuyển sàng sang HoSE. Theo lý giải của Ban điều hành, việc đổi tên viết tắt nhằm thống nhất cách gọi tên và thuận tiện hơn khi thực hiện các hợp đồng giao dịch. Ngân hàng Bản Việt đang phát triển ngân hàng bán lẻ, gần đây mở rộng mạng lưới ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, các đơn vị kinh doanh mở mới cũng gọi tắt là Bản Việt Tân Biên (Tây Ninh), Bản Việt Thốt Nốt (Cần Thơ), Bản Việt bắc Sài Gòn…; tổng đài tin nhắn SMS và cuộc gọi đến cho khách hàng thời gian qua của ngân hàng này cũng đã hiển thị nhận diện “BanVietBank”.
Ngân hàng Bản Việt xin ý kiến cổ đông đổi tên viết tắt tiếng Anh từ “Vietcapital Bank” thành “BVBank” |
Một ngân hàng khác là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt vừa xin ý kiến cổ đông cho phép đổi tên tiếng Anh từ LienViet Post Bank thành LPBank nhằm thống nhất với mã chứng khoán của ngân hàng này LPB. lãnh đạo ngân hàng này cho biết, xu hướng tên gọi ngân hàng hiện nay càng ngắn gọn, dễ hiểu, càng dễ dàng tiếp cận khách hàng. Nhất là khi các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng hiện đang cung cấp trong cộng đồng dân cư sử dụng tiếng Việt, việc viết một tên gọi với nhiều ký tự ngoại ngữ sẽ làm cho khách hàng khó nhớ trong giao dịch. Tên gọi LienVietPostBank được hình sau khi cổ đông Bưu điện Việt Nam tham gia vào ngân hàng. Trong 13 năm qua, tất cả các khế ước và văn bản pháp lý, hoạt động truyền thông của ngân hàng này cũng đều dùng tên tiếng Anh, trong khi tên thương hiệu bằng ngoại ngữ khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao, cần phải thay đổi.
Không chỉ hai ngân hàng hàng trên, những năm qua nhiều ngân hàng đã thay đổi nhận diện thương hiệu trong quá trình thay tên đổi chủ. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank) đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đổi tên Ngân hàng TMCP Xây dựng (CB)… Trường hợp Ngân hàng TMCP Kiên Long thì từng đổi logo nhận diện từ KienlongBank sang KSBank theo tên gọi của chủ đầu tư mới khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý đã phải quay lại logo thương hiệu KienlongBank… Một số ngân hàng khác thay đổi tên viết tắt tiếng Anh để không bị trùng tên giao dịch trên thị trường quốc tế như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đổi từ Incombank thành VietinBank ngày nay; Vietcombank thay đổi logo nhận diện mới đơn giản hơn…
Theo một lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN chi nhánh TP.HCM, theo quy định hiện hành, việc các tổ chức tín dụng thay đổi một số ký tự tên viết tắt bằng tiếng Anh trong tên gọi ngân hàng nhằm đơn giản cách gọi, cách viết thuận tiện hơn trong hoạt động giao dịch phải xin ý kiến cổ đông và báo cáo với NHNN. Khác với việc thay đổi nhận diện thương hiệu và thiết kế lại logo, ngân hàng thương mại phải thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định pháp luật và đặc biệt phải thực hiện các quy định tại Thông tư 50/2018/TT-NHNN và trình NHNN chấp thuận mới được thực hiện.
Theo các chuyên gia, nhận diện thương hiệu của một doanh nghiệp hay định chế tài chính phải phản ánh được những chi tiết như, tên gọi, logo, biểu tượng, màu sắc đại diện, digital marketing… Việc thiết kế thương hiệu phải đồng nhất giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và tạo hình ảnh đại chúng. Ngoài việc dễ dàng cho khách hàng tiếp cận, thương hiệu sẽ thể hiện phong cách, sứ mệnh doanh nghiệp, phân biệt với các đơn vị cùng lĩnh vực kinh doanh. Đối với nhận diện thương hiệu bằng ngoại ngữ là một chuỗi các ngôn từ, hình ảnh, ấn phẩm quảng cáo… giúp khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu sản phẩm dịch vụ. Nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay lấy từ Việt làm thương hiệu như một cách định vị chủ quyền kinh tế, sản phẩm, dịch vụ; ngoài yếu tố tự hào Việt Nam, Việt cũng có nghĩa là vượt lên để hy vọng làm ăn tấn tới phát triển.