Logistics là xương sống chuỗi cung ứng
Tham dự Diễn đàn có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Tấn Công; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên; Thái Bình, đại diện các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các Diễn giả, Hiệp hội, Doanh nghiệp Logistics và xuất nhập khẩu… khu vực đồng bằng sông Hồng.
Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là sự kiện kinh tế quan trọng đã được tổ chức qua bốn lần tại các Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long,… Diễn đàn đã khẳng định được uy tín, tạo sức hút lớn với các lãnh đạo Bộ ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp logistics, xuất nhập khẩu,… Diễn đàn nhằm đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều về định hướng phát triển logistics của Vùng đồng bằng sông Hồng; nhận diện những điểm nghẽn; nhận định xu hướng chuyển đổi số logistics từ các bài học quốc tế kết hợp thực tiễn phù hợp điều kiện của vùng…
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Logistics được coi là xương sống của chuỗi cung ứng, do đó yêu cầu về chuyển đổi số trong ngành logistics cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế. Tại Việt Nam, vai trò chuyển đổi số trong hoạt động logistics ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố tháng 5.2024 xác định, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, Hải Phòng là địa phương có vị thế đặc biệt quan trọng trong Vùng đồng bằng sông Hồng với hơn 1.000 doanh nghiệp logistics, chuyển đổi số logistics không chỉ tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực này tại Hải Phòng, mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển ngành logistics và kinh tế của cả Vùng đồng bằng sông Hồng.
Năm 2023, theo bảng xếp hạng Emerging Markets Index 2023 mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, Việt Nam đã lọt vào top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, đội tàu Việt Nam đã tăng từ hạng 4 năm 2019 lên đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 22 trên thế giới năm 2022 (năm 2019, đội tàu Việt Nam đứng thứ 30).
Chỉ 04% doanh nghiệp logistics chuyển đổi số đến cấp độ 6
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cửa ngõ phía bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc – thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại. So với các vùng kinh tế khác trong cả nước, Vùng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước với đầy đủ 5 phương thức vận tải với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua. Do đó, ngành logistics của vùng còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới đây.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế. Hải Phòng là đầu mối giao thông – giao lưu quan trọng của Việt Nam và quốc tế, có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, với 5 loại hình giao thông thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và đi các nước trên thế giới.
Theo khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 với tỉ lệ chiếm tới 73,5%. Chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất “khiêm tốn” 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng…
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/doi-tau-cua-viet-nam-dung-thu-3-khu-vuc-asean-thu-22-the-gioi-1345961.ldo