Diễn ra vào dịp Trung Quốc và Pháp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã mở ra những cơ hội mới trong quan hệ giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne tại Bắc Kinh, ngày 1/4. (Nguồn: THX) |
Trung Quốc và Pháp vốn coi nhau như đối tác hợp tác ưu tiên. Kinh tế hai nước có những lợi thế bổ sung và nhiều điểm cùng quan tâm. Với kim ngạch thương mại song phương 78,9 tỷ USD vào năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp ở châu Á, trong khi Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU).
Nhưng, tác động từ cạnh tranh địa chính trị toàn cầu, tranh chấp thương mại cùng một số khác biệt trong các vấn đề lớn như cuộc khủng hoảng Ukraine, xung đột Palestine – Israel khiến quan hệ Trung – Pháp thời gian gần đây gặp những sóng gió.
Nhưng khác với Mỹ và một số đồng minh phương Tây muốn dựng “chiến tuyến” với Trung Quốc, Paris khẳng định không có ý định “tách rời”, nhất là về kinh tế, với Bắc Kinh. Chính quan điểm “tự chủ chiến lược” giúp Pháp linh hoạt hơn trong ứng xử với Trung Quốc, mở ra những cơ hội hợp tác.
Kết quả là trong chuyến công du của ông Sejourne, hai bên đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, nông nghiệp và tài chính, đồng thời tích cực tìm hiểu hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi xanh và sản xuất thông minh…
Đặc biệt, để giảm bớt thặng dư thương mại với Pháp, Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu nhiều hơn sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Pháp, đồng thời xử lý vấn đề tiếp cận thị trường mà các doanh nghiệp của Pháp quan ngại. Còn ông Sejourne thì cho biết EU vẫn mở cửa cho đầu tư của Trung Quốc.
Dù còn không ít trở ngại, hợp tác Trung-Pháp vẫn là cơ hội chứ không phải rủi ro, quan hệ Bắc Kinh-Paris vẫn nghiêng về đối tác chứ không phải đối thủ.