Hiệp ước này được hai bên ký kết nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Triều Tiên hồi tháng 6. Nội dung của hiệp ước được dư luận bên ngoài để ý đến nhiều nhất là điều khoản về bên này cam kết hậu thuẫn quân sự cho bên kia trong trường hợp bên kia bị tấn công vũ trang. Điều khoản với tinh thần và câu chữ như thế này thường thấy trong các thỏa thuận liên minh giữa các bên nhất trí trở thành đồng minh chiến lược của nhau.
Với việc hiệp ước nói trên có hiệu lực sau khi được Viện Duma quốc gia Nga phê chuẩn, Nga và Triều Tiên trở thành trên danh nghĩa đối tác chiến lược toàn diện của nhau, nhưng trong thực chất chẳng khác gì đồng minh chiến lược của nhau.
Điều này được bên ngoài, đặc biệt những đối thủ và địch thủ của Moscow và Bình Nhưỡng hết sức lưu tâm để ý và quan ngại sâu sắc. Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và đối đầu quyết liệt với Mỹ, EU, NATO và các nước khác thuộc khối phương Tây. Triều Tiên cũng đối địch cùng Mỹ và các đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tổng thống Ukraine tố Triều Tiên gửi quân cho Nga
Trong bối cảnh tình hình như thế, không chỉ có sự hậu thuẫn lẫn nhau về chính trị mà đặc biệt về quân sự, quốc phòng và an ninh có ý nghĩa chiến lược và tác động thực tiễn vô cùng quan trọng đối với cả Moscow lẫn Bình Nhưỡng. Sự tương trợ về quân sự của bên này dành cho bên kia trở thành một con chủ bài sáng giá đối với cả hai và giúp gia tăng thế và lực cho cả hai bên trong cuộc chơi hiện tại riêng của từng bên với các đối tác, đối thủ và địch thủ của từng bên. Đối tác chiến lược mà khi cần có thể trở thành đồng minh chiến lược làm cho mối quan hệ đối tác thêm đặc biệt.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-tac-chien-luoc-nhu-dong-minh-cua-nga-18524101521570932.htm