Dù đến nay đã có rất nhiều phát hiện, nhưng nhận xét của cố giáo sư vẫn còn nguyên giá trị.
Trống Thanh Hóa, ký hiệu Lsb38069
Được in trong ấn phẩm Trống đồng Thanh Hóa, ngoài mặt trời có 6 tia mảnh tạo ra 6 khoảng trống có hình cánh hoa đã được phân tích trong sách Mặt trời & Hoa cúc – Biểu tượng vương quyền Việt Nam (NXB Thông tin và Truyền thông, 2024), ở đây sẽ bàn đến một số vành hoa văn trên mặt trống. Trống có tổng thể 9 vành hoa văn, trong đó vành thứ nhất hoa văn không rõ. Vành thứ 2 là hoa văn các ô trám. Vành thứ 3 và 7 là những vòng tròn đồng tâm có chấm giữa. Vành thứ 4 là hoa văn răng lược. Vành thứ 5 có 42 hình chim nhỏ. Vành thứ 6 có 14 chim lớn. Vành thứ 8 có 8 hình cá và 4 cóc. Vành thứ 9 (ngoài cùng) là hoa văn giống như gân lá. Những hình ở vành hoa văn được quan tâm và mang ra mổ xẻ như sau:
+ 42 hình chim nhỏ ở vành hoa văn thứ 5: Những hình chim này đều được thể hiện giống nhau với đặc điểm: đầu chim là hiện thực, quay đầu theo hướng ngược chiều kim đồng hồ; thân chim là một vòng tròn đồng tâm có chấm giữa, hai bên có các đường gạch ngang có lẽ là thể hiện cánh; chân chim là hai đường thẳng trông như đang bước đi.
+ 14 hình chim lớn ở vành hoa văn thứ 6: Tất cả đều được thể hiện giống nhau và có tư thế trông như đang đi tìm kiếm thức ăn, đầu cũng hướng ngược chiều kim đồng hồ. Điều lạ là thân chim có hình chiếc lá với đầy đủ gân lá.
+ 8 hình cá ở vành hoa văn thứ 8: Chúng cũng được thể hiện giống nhau và đầu hướng ngược chiều kim đồng hồ. Điều đáng nói là mình cá cũng có hình chiếc lá với đầy đủ gân lá như mình chim nêu trên.
Trống Thành Công
Trống hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa và cũng được in trong ấn phẩm nêu trên. Tại trung tâm mặt trống là hình mặt trời, xen kẽ giữa các tia mặt trời là những cánh hoa (do bị bể nên không rõ số tia). Tiếp đến là 11 vành hoa văn, trong đó vành 1, 4, 7, 10 là hoa văn hình răng lược. Vành thứ 2, 3, 8, 9 là những vòng tròn đồng tâm có chấm giữa. Vành thứ 5 là những cây hoa. Vành thứ 6 là những hình chim và cá. Vành 11 là tượng cóc và hình chim cùng một số hoa văn.
Về những cánh hoa xen kẽ giữa các tia mặt trời ở trống này cũng giống như ở rất nhiều trống và đã được chứng minh, đó là biểu tượng kép nói về sự liên quan giữa hoa cúc và mặt trời. Tiếp đến là những cây hoa ở vành thứ 5 đã được nêu (kỳ 1) và được chứng minh đó là loài cúc. Những loại hình còn lại sẽ được phân tích đối chiếu so sánh như sau:
+ Những vòng tròn đồng tâm có chấm giữa ở các vành 2, 3, 8, 9: Chúng được thể hiện giống nhau là gồm nhiều vòng tròn đồng tâm và có chấm giữa to nếu so với cùng loại ở các trống khác. Điều thú vị là qua đối chiếu với mặt trời trên trống Đào Xá thì cho thấy rất giống nhau.
+ Loại hình chim và cá: Về hình chim, có thân mình là hình chiếc lá, qua đối chiếu với hình chim ở trống Thanh Hóa nêu trên cho thấy là giống nhau. Còn hình cá thì rất lạ, bởi trên lưng và bụng cá là hai băng hoa văn cành lá song song, cá không được thể hiện đuôi.
Về hai trống nêu trên, qua những miêu tả cho thấy rõ ràng yếu tố thực vật như hoa lá đã được áp vào chim và cá. Điều này cũng chỉ ra rằng lá và hoa này là ở cùng một cây thiêng và đó là loài cúc, đồng thời còn mang hàm ý cúc hóa chim hóa cá. Riêng về vòng tròn đồng tâm có chấm giữa ở trống Thành Công thể hiện giống với mặt trời như đã nêu, thì phải nói đây là bằng chứng rất thú vị, bởi nó đã chỉ ra trong tâm thức của người Đông Sơn đã xem hoa cúc và mặt trời là một.
Ngoài ra, như chúng ta đã biết, tất cả các trống đồng Đông Sơn đều được thể hiện mang yếu tố thực vật, nhưng có sự đậm nhạt khác nhau giữa các trống. Như ở trống Ngọc Lũ I, trên mặt có tới 6 vành hoa văn là những vòng tròn có chấm giữa, trống Cổ Loa 5 vành và cũng có trống có 4, 3, 2, 1 vành. Riêng 2 trống này mang đậm yếu tố thực vật hơn tất cả.
Với tất cả những vấn đề đã nêu ở trên, đây sẽ là những chứng cứ góp phần làm rõ thêm đời sống xã hội và tâm linh của người Đông Sơn. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/giai-ma-van-hoa-dong-son-doi-song-xa-hoi-va-tam-linh-cua-nguoi-xua-185240629215345115.htm