Đây là giải pháp được Bộ Công Thương nêu trong văn bản vừa gửi các hiệp hội ngành hàng, logistics, chủ tàu, đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải khi phí vận tải biển tiếp tục leo thang.
Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, như sử dụng vận tải đa phương thức kết hợp. Đơn cử, doanh nghiệp có thể đưa hàng đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó dùng đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ để tiếp tục vận chuyển sang châu Âu.
Bộ kêu gọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với hải quan và cảng nhanh chóng xử lý hàng hóa tồn đọng để tăng luồng lưu thông. Các hiệp hội ngành hàng, logistics cùng Liên đoàn thương mại và công nghiệp (VCCI) mở chương trình đào tạo nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế thời gian qua doanh nghiệp cũng chủ động thay tuyến đường thay thế trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao. Ví dụ như đầu năm 2024, chuyến tàu container đầu tiên của hãng Zim – một trong những hãng vận tải container bằng đường biển lớn nhất thế giới – đã cập vào Cảng container quốc tế Cái Lân, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Việc hình thành tuyến này cho phép kết nối hàng hóa nhanh nhất với thị trường, từ miền Bắc Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Lê Duy Hiệp – Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trước đây, tuyến dịch vụ của hãng tàu Zim (Israel) chủ yếu chạy từ Trung Quốc đi bờ Tây nước Mỹ.
Nhưng, bây giờ, do nhu cầu xuất khẩu hàng hoá đi Mỹ của Việt Nam tăng thêm, nên tàu Zim đã khai thác đường vận tải từ Cảng Cái Lân, thời gian di chuyển hàng hoá mất 16-17 ngày.
“Bình thường, từ các cảng ở miền Bắc Việt Nam đi bờ Đông của nước Mỹ (phải đi qua Biển Đỏ) mất khoảng 34-36 ngày; vận chuyển hàng hóa từ miền Bắc Việt Nam đi bờ Tây nước Mỹ bằng đường không thì khoảng 1 tuần nhưng chi phí rất đắt.
Khi có tuyến vận tải container từ Cảng Cái Lân đến bờ Tây nước Mỹ đã tạo ra nhiều thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hoá. Tuyến này vượt biển Thái Bình Dương, cho nên tránh được sự ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, giảm thời gian vận chuyển và chi phí hàng hoá sang Mỹ.
Đây là tín hiệu rất tốt cho hàng hoá Việt Nam, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lục như đồ gỗ, hàng may mặc, đồ điện tử, trái cây, thủy sản sử dụng container lạnh”, ông Hiệp nói.
Một số doanh nghiệp cho biết giá mỗi container đi châu Âu dao động 4.000-5.000 USD, hơn gấp 2-3 lần so với cuối năm ngoái. Cước trung bình mỗi container xuất đi Mỹ khoảng 6.000-7.000 USD, tăng gấp đôi.
Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng lên khoảng 1.000-2.000 USD/container.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/doi-pho-voi-cuoc-van-tai-bien-tang-cao-bao-mon-loi-nhuan-1371006.ldo