Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ trí thức của Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đội ngũ trí thức, nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. TRONG ẢNH: Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tặng bức trướng cho Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật thành phố nhân kỷ niệm 25 năm thành lập. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Bài 1: Nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo
Xác định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh có vai trò to lớn vào công cuộc xây dựng, phát triển thành phố, do đó, ngay từ sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thu hút nhân tài
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, từ năm 1998, thành phố đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực bằng chế độ đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố. Từ đó đến nay, theo từng giai đoạn, thành phố có những chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và nhu cầu nhân lực để thu hút nguồn nhân lực cũng như hợp tác với các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia nước ngoài.
Để rõ ràng về chính sách, thành phố ban hành danh mục ngành nghề tiếp nhận, xác định đối tượng cần thu hút, tuyên truyền, triển khai các chế độ, chính sách đối với người được thu hút, bố trí công tác, theo dõi, đánh giá kết quả công tác. Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 được ban hành và thành phố quy định thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công; tiếp tục triển khai công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với hai hình thức: Thu hút đến làm việc lâu dài và thu hút đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Từ năm 2019, trên cơ sở nhu cầu thu hút và chỉ tiêu biên chế công chức, số lượng người làm việc được giao của đơn vị, thành phố đã thông báo công khai, rộng rãi chỉ tiêu thu hút; các ứng viên được đánh giá, xét chọn trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm cần thu hút. Việc thu hút được thực hiện đồng thời với công tác tuyển dụng công chức, viên chức nhằm bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành.
Chế độ, chính sách đối với đối tượng thu hút được thành phố thực hiện chu đáo. Ngoài chế độ đãi ngộ vật chất ban đầu và hỗ trợ hằng tháng, thành phố bố trí nhà ở cho một số đối tượng từ các địa phương khác đến công tác tại Đà Nẵng, ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức và được cử đi đào tạo bồi dưỡng trong nước và ngoài nước. Hiện nay, theo Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố, người được thu hút đến làm việc lâu dài ngoài việc được hưởng đầy đủ chế độ tiền lương, bảo hiểm, các chế độ chính sách khác theo quy định hiện hành còn được hưởng kinh phí hỗ trợ ban đầu với mức 80-280 lần mức lương cơ sở tùy vào từng nhóm đối tượng và trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo. Ngoài ra, người được thu hút đến làm việc lâu dài có hoàn cảnh khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở sẽ được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư hoặc được hỗ trợ trong việc tiến hành thủ tục vay vốn ưu đãi trong thời hạn 10-15 năm để mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và UBND thành phố.
Đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển thành phố. TRONG ẢNH: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Thị Thanh Tâm (giữa) kiểm tra các văn bản do cấp dưới tham mưu. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức
Bên cạnh chính sách thu hút nhân lực cho thành phố, với mục tiêu tạo nguồn cán bộ quản lý và chuyên gia, từ năm 2004, thành phố triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc cấp học bổng để đào tạo bậc đại học cho học sinh xuất sắc của thành phố. Năm 2006, thành phố thực hiện Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài. Đến năm 2009, thành phố thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là cơ quan thường trực đề án. Qua quá trình bổ sung, điều chỉnh các đề án nêu trên, năm 2011, thành phố ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo UBND thành phố, từ năm 2004 đến nay, thành phố đã cử 613 người tham gia chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có 155 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú; 338 học viên đào tạo bậc đại học; 120 học viên đào tạo bậc sau đại học. Đối với học viên sau khi tốt nghiệp nhận nhiệm vụ, ngoài chính sách ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức, hỗ trợ hằng tháng, hỗ trợ 1 lần sau khi tốt nghiệp. Thành phố tạo điều kiện cho học viên đào tạo sau đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước, tham gia các khóa bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính.
Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, trong quá trình công tác, đa số học viên các đề án có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thích nghi công việc nhanh, có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy trình độ chuyên môn ở vị trí công tác được phân công, tham gia tích cực vào các hoạt động chung của cơ quan và các hoạt động xã hội. Nhiều người thể hiện sự năng động, tự tin trong việc tham mưu, đề xuất với cấp trên, sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp với người nước ngoài… Một số học viên đã đề xuất nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc. Qua thực tế công tác, hàng trăm trường hợp trưởng thành, được kết nạp vào Đảng, được bổ nhiệm cán bộ quản lý từ cấp trưởng, phó phòng, giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành tương đương.
Theo nhìn nhận của Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, với sự đầu tư của thành phố trong phát triển nguồn nhân lực đã kịp thời bổ sung một thế hệ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, được đào tạo chính quy. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố hiện nay tăng gấp 3 lần so với cuối năm 1997; trình độ được nâng cao, số lượng đại học, sau đại học chiếm đa số trên tổng số cán bộ công chức, viên chức.
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, đây là nguồn nhân lực quý, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, với sự đa dạng về ngành nghề, môi trường giáo dục, kể cả về văn hóa vùng miền, đội ngũ cán bộ thu hút và học viên các đề án đã đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ, góp phần giúp thành phố đạt được những thành tựu quan trọng.
Diện mạo hạ tầng đô thị của thành phố đổi thay, kinh tế-xã hội phát triển toàn diện. Nhiều năm liền thành phố dẫn đầu Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); thành phố môi trường dẫn đầu cả nước; phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu về các lĩnh vực y tế, giáo dục, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin…
Tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người Sau 16 năm thực hiện (1998-2014), thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên; trong đó, tiến sĩ: 25 người (chiếm 1,97%); thạc sĩ 283 (chiếm 22,3 %), đại học: 961 người (chiếm 75,73 %), 102 người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. |
N.PHÚ