Nam Định đầy quyết tâm tại AFC Champions League 2 (tên gọi cũ AFC Cup hoặc Cúp C2 châu Á), đội bóng thành Nam khát khao tái lập thành tích của 2 đại gia của bóng đá Việt Nam gồm Bình Dương (vào bán kết mùa giải 2009) và Hà Nội T&T (vào chung kết khu vực phía Đông, tương đương với bán kết toàn giải, năm 2019).
Đội hình của đội Nam Định tham dự AFC Champions League 2 mùa giải 2024-2025 phản ánh khát khao thành công của đội bóng thành Nam. Họ đăng ký đến 7 cầu thủ gốc nước ngoài, bao gồm cả tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son (tức Rafaelson). Nam Định càng khát khao thành công ở đấu trường châu Á, bóng đá Việt Nam càng có lợi.
Đầu tiên, nếu Nam Định giành thành tích tốt tại AFC Champions League 2, giải V-League của bóng đá Việt Nam sẽ được cộng điểm, từ đó giải đấu này sẽ có vị trí tốt hơn trên bảng xếp hạng các giải quốc nội của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). V-League càng tích lũy nhiều điểm, các CLB của giải V-League càng có nhiều cơ hội được thi đấu ở AFC Champions League Elite (trước đây gọi là Cúp C1 châu Á), có dịp đối đầu với các đội bóng mạnh nhất châu lục.
Tiếp theo, về mặt hình ảnh, thời gian gần đây các đội bóng Việt Nam không có hình ảnh tốt tại các cúp châu Á, nhất là sau sự việc CLB Thanh Hóa tuyên bố rời khỏi AFC Champions League 2 mùa này. Để lấy lại hình ảnh đã mất, chính các CLB thuộc giải V-League phải thi đấu tốt, tiến xa nhất ở các cúp châu Á trong khả năng có thể, để giới bóng đá quốc tế không còn đánh giá chúng ta thiếu mặn mà với sân chơi châu lục, thiếu tôn trọng giới bóng đá châu lục.
Vì vậy, việc Nam Định thể hiện quyết tâm cao ở AFC Champions League 2 đang diễn ra, không chỉ phục vụ cho yêu cầu chinh phục các danh hiệu của đội bóng thành Nam, mà còn giúp cải thiện hình ảnh của bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, có chi tiết không thể không nhắc đến, để yên tâm chinh phục đấu trường châu Á, bản thân đội Nam Định phải thi đấu ổn định tại giải trong nước. Nói gì thì nói, V-League mới là nơi giúp đoàn quân của HLV Vũ Hồng Việt thu hút khán giả, mới là món ăn tinh thần hàng tuần của người hâm mộ bóng đá thành Nam.
Đặt trường hợp Nam Định không thành công ở V-League, chính đội này sẽ bất ổn về mặt tâm lý, trước khi họ mang tâm lý bất ổn đấy ra đấu trường quốc tế. Một chi tiết khác, đội hình của Nam Định ở cúp châu Á và ở giải V-League chắc chắn cũng không giống nhau. Khi thi đấu tại V-League, Nam Định không thể cùng lúc sử dụng 7 cầu thủ gốc ngoại như khi thi đái tại AFC Champions League 2. Ở V-League, nếu tính luôn cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son, Nam Định mỗi trận chỉ được sử dụng tối đa 4 cầu thủ gốc ngoại.
Đội hình khác nhau tất yếu sẽ dẫn đến lối chơi không giống nhau (ví dụ đội hình nhiều cầu thủ gốc ngoại dễ thi đấu thiên về thể lực, bóng dài và bóng bổng, còn đội hình nhiều nội binh thường phải phối hợp nhóm nhiều hơn…). Đấy là bài toán dành cho HLV Vũ Hồng Việt, bài toán dành cho các đội bóng lớn. Những đội bóng muốn lớn mạnh phải có những kịch bản khác nhau cho những tình huống khác nhau. Những đội bóng muốn lớn mạnh là những đội bóng có thể áp dụng nhiều lối chơi khác nhau, cho nhiều đội hình khác nhau, trên những mặt trận không giống nhau.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nghich-ly-clb-nam-dinh-doi-ngoai-da-hay-doi-noi-the-nao-cho-khan-gia-suong-185240919150249037.htm