Lần thứ hai tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long và tổ chức vào buổi tối, thì cả hai lần, Ngày thơ Việt Nam đều diễn ra trong mưa xuân rét mướt.
Mưa hầu như kéo dài cả ngày khiến khách đến dự Ngày thơ Việt Nam năm nay, kéo dài từ 23 đến 24-2 thưa thớt người, chủ yếu là giới văn chương, rất hiếm công chúng.
Buổi tối là sự kiện chính, những hàng ghế đại biểu chỉ được lấp đầy một số hàng ghế đầu. Đại biểu che ô, mặc áo mưa ngồi nghe đọc thơ, hát các ca khúc phổ thơ.
Trong phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiền – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – khẳng định gió rét và mưa bay như một thách thức của thi ca, nhưng với dân tộc Việt Nam càng trong thách thức, khổ đau và mất mát, những “đóa hoa” của trái tim, của mỗi gương mặt được mở ra.
Ông kêu gọi: “Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này…”.
Năm nay chọn tôn vinh các nhà thơ dân tộc thiểu số nên những câu thơ được chọn trưng ở đường thơ chủ yếu là thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số, trưng bày trong Nhà ký ức cũng là trưng bày về một số nhà thơ dân tộc thiểu số được giải thưởng Hồ Chí Minh, cùng với trưng bày một số tác phẩm về nhà thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện đọc thơ buổi tối cũng chủ yếu dành đọc thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số hoặc thơ sáng tác về miền núi, người dân tộc thiểu số.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định đại diện cho 54 dân tộc dân mang đến bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân, của mỗi dân tộc.
Năm nay, có lẽ lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam có sự tham gia đọc thơ của một số nhà thơ đến từ Hàn Quốc. Các nhà thơ Hàn Quốc đọc sáng tác của mình bằng tiếng Hàn Quốc và hai người dẫn chương trình của đêm thơ đọc phần dịch thơ tiếng Việt.