Học sinh Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước) tham gia thuyết trình bằng tiếng Anh
Truyền lửa đam mê cho học sinh
Dõi theo hành trình chinh phục tri thức của HS, giáo viên (GV) nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác giảng dạy. Trong đó, GV môn Tiếng Anh luôn quan tâm, nỗ lực truyền lửa đam mê tiếng Anh đến HS bằng cách thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiệu quả.
Nhiều năm trở lại đây, thầy Nguyễn Lê Thanh Nam - GV môn Tiếng Anh, Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), không còn dạy học đơn thuần với bảng đen, phấn trắng mà kết hợp sử dụng bảng tương tác với nhiều chức năng mới, thú vị để HS hứng thú, phấn khởi hơn trong việc học tiếng Anh. Thầy còn sử dụng các nền tảng: Padlet, Azota, Quizizz,... để giao và sửa bài tập cho HS bất kỳ lúc nào, không nhất thiết chỉ trong lớp học, giúp các em có thêm cơ hội rèn luyện, học hỏi và ngày càng tiến bộ ở môn học này.
Đặc biệt, khi áp dụng dạy học môn Tiếng Anh theo chương trình, sách giáo khoa mới, thầy Thanh Nam càng nỗ lực hơn nữa, vận dụng những thế mạnh của chương trình, sách giáo khoa mới, phát huy năng lực của HS, nhất là kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, tinh thần tự học, tự nghiên cứu.
Thầy Thanh Nam cho biết: “Để HS giỏi tiếng Anh là hành trình lâu dài và thường xuyên. Do vậy, tôi không gấp gáp, nóng vội mà nỗ lực để các em thay đổi, cải thiện từng chút một trong học môn Tiếng Anh. Trong lớp, tôi thường chia ra các nhóm nhỏ. Mỗi nhóm đều có HS khá, giỏi làm nhóm trưởng. Trong nhóm, các em sẽ giúp đỡ lẫn nhau khi có bạn chưa nắm rõ kiến thức hoặc muốn trau dồi thêm, trong đó, trách nhiệm lớn thuộc về nhóm trưởng.
Ngoài ra, trường có câu lạc bộ môn Tiếng Anh giúp lan tỏa tình yêu môn Tiếng Anh đến HS toàn trường; đây cũng là nơi phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi để tham gia các kỳ thi HS giỏi văn hóa, hùng biện, Rung chuông vàng,... Nhờ thay đổi phương pháp giảng dạy, tạo môi trường học tập thuận lợi, HS trở nên tự tin hơn, hứng thú và đam mê hơn trong việc học tiếng Anh".
Điều kiện học tiếng Anh của HS các huyện vùng sâu, biên giới còn nhiều khó khăn. Do vậy, GV môn Tiếng Anh càng nỗ lực hơn để bù đắp thiệt thòi cho các em. Với tinh thần trách nhiệm, yêu nghề và hết lòng vì HS, thầy Mai Thanh Tòng - GV môn Tiếng Anh, Trường THCS Bình Hòa (huyện Đức Huệ), luôn nỗ lực truyền cảm hứng học tập môn Tiếng Anh cho HS. Thầy chia sẻ với HS về vai trò của tiếng Anh trong cuộc sống, công cụ quan trọng khám phá nhiều kiến thức mới và nhất là sự cần thiết của tiếng Anh trong nghề nghiệp tương lai để khơi dậy tinh thần học tập và niềm đam mê tiếng Anh của các em.
Thầy Thanh Tòng thổ lộ: “Có đam mê, hứng thú môn học thì các em mới ra sức học tập. Tùy theo đối tượng HS, tinh thần học tập của lớp, tôi có phương pháp dạy phù hợp. Với HS học chưa tốt môn Tiếng Anh, tôi đặt những câu hỏi đơn giản, phù hợp năng lực để các em trả lời, giúp mạnh dạn, tự tin và dần yêu thích môn học hơn. Riêng HS khá, giỏi, tôi giúp các em phát huy năng lực với những câu hỏi khó. Nhờ vậy, HS còn yếu không có cảm giác bị bỏ rơi trong tiết học và HS giỏi không bị nhàm chán, giúp truyền cảm hứng học tập cho HS”.
Chương trình iSMART vào trường tiểu học
Ngoài học tiếng Anh trong chương trình chính khóa, nhiều HS tiểu học trên địa bàn TP.Tân An được tham gia học tiếng Anh từ chương trình iSMART (hình thức xã hội hóa giáo dục). Đây là chương trình giảng dạy tiếng Anh cho HS thông qua môn Toán và Khoa học, sử dụng bài giảng số iSMART và công nghệ tương tác. Tham gia chương trình iSMART, mỗi tuần, HS có 4 tiết học. Trong đó, 2 tiết học trực tiếp với GV nước ngoài để nâng cao kỹ năng nghe, nói và phát âm; 2 tiết học với GV người Việt Nam để tìm hiểu từ vựng liên quan đến Toán và Khoa học. Riêng tiết học với GV nước ngoài có trợ giảng người Việt Nam tham gia hỗ trợ để việc dạy và học đạt hiệu quả.
Học sinh được học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài
Trong các tiết học, GV luôn sử dụng hình ảnh trực quan, thước phim được tạo riêng cho từng bài học để dạy HS hoặc cho các em chơi các trò chơi tương tác nhằm tạo hứng thú và niềm vui trong quá trình học tập. Khi giảng dạy, GV luôn quan tâm, khuyến khích và phát triển kỹ năng làm việc nhóm của HS thông qua các hoạt động học tập. Mỗi năm học, HS còn có cơ hội thực hành làm mô hình và thuyết trình về các chủ điểm khoa học, giúp phát huy năng lực, sở trường và khơi gợi niềm đam mê sáng tạo khoa học.
Học sinh tham gia các hoạt động trong chương trình iSMART
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Tân An) - Nguyễn Văn Bơ cho biết: “Chương trình iSMART được áp dụng tại trường 5 năm nay và mang lại hiệu quả thiết thực. Thế mạnh lớn nhất của chương trình là HS được học với GV nước ngoài có năng lực và kiến thức sư phạm. Từ đó, HS trở nên chủ động và tự tin hơn trong giao tiếp, năng động hơn trong học tập. Ngoài ra, GV của trường cũng được học hỏi nhiều phương pháp dạy hay, hiệu quả để áp dụng vào công tác giảng dạy của mình, nhất là tạo không khí sôi động cho tiết học”.
Ngoài ra, HS còn tham gia các hoạt động vui chơi và rèn luyện kiến thức thông qua các buổi sinh hoạt tập thể trong "Ngày hội tiếng Anh", "Biệt đội khoa học iSMART". HS có thể học trực tuyến trên hệ thống của iSMART sau các tiết học ở trường. Theo đó, hệ thống cung cấp kho học liệu đa dạng, kèm theo các bài luyện tập dưới dạng vừa học, vừa chơi. Vào hệ thống, HS có cơ hội tham gia các thử thách và nhận quà từ iSMART.
Tiết học tiếng Anh vui nhộn của học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP.Tân An)
Nhờ những thay đổi trong dạy và học môn Tiếng Anh, HS được truyền lửa đam mê tiếng Anh cũng như có thêm điều kiện thuận lợi trong học tập, phát triển ở môn học này. Có nền tảng tiếng Anh tốt, con đường phía trước của HS thêm rộng mở, nhất là cơ hội được tiếp cận nhiều kiến thức mới ở lĩnh vực mình yêu thích thông qua công cụ tiếng Anh hoặc đi du học để sau này trở về cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước./.
An Nhiên
Source link
Bình luận (0)