Kỳ I: Rào cản
Khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế có sự chồng chéo của các văn bản, quy định pháp luật do chưa kịp thay thế, bổ sung; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn gặp phải khó khăn, vướng mắc. Tâm lý muốn đổi mới, sáng tạo nhưng vướng phải lực cản vô hình dẫn đến bị cản trở và kìm hãm.
Nhiều quy định bất cập
Dịch Covid-19 đã qua giai đoạn khốc liệt, nguy hiểm, cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, đối với ngành Y tế, hiện tại vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập của “hậu Covid”.
Không chỉ các bệnh viện hàng đầu như Bệnh viện Bạch Mai, Việt – Đức, Nhi Trung ương phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế… mà ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu thiết bị ý tế nhưng chưa thể triển khai mua sắm do vướng phải nhiều quy định “rào cản”. Ảnh: Khánh Linh
Bộ Y tế xác định, nguyên nhân khách quan là do dịch bệnh kéo dài, nguồn cung trang thiết bị trên thế giới cũng như ở Việt Nam bị đứt gãy. Còn nguyên nhân chủ quan là do hiện nay, việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có quá nhiều văn bản pháp luật chi phối, chồng chéo, chưa thể sửa đổi trong thời gian ngắn. Dẫn đến thủ trưởng các đơn vị không thể “làm liều” để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, tránh việc vi phạm nguyên tắc đấu thầu.
Để tháo gỡ tình trạng này, ngày 4/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Với việc sửa đổi quy định về thanh toán bảo hiểm y tế, cho phép thay đổi xác định giá các gói thầu mua sắm y tế, gỡ vướng về máy liên doanh, liên kết, mua sắm vật tư theo máy…
Nghị quyết 30 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt cho ngành Y tế. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, cho đến nay, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vẫn tồn tại không ít quy định “rào cản” khiến các đơn vị chưa thể triển khai.
Lãnh đạo một bệnh viện trên địa bàn tỉnh cho hay: Khó khăn lớn nhất chính là theo những văn bản hiện hành, việc mời thầu đang khiến đơn vị y tế rơi vào cảnh “bị động”. Sau khi đăng thông tin lên truyền thông đại chúng, họ chỉ biết “ngồi chờ” cho đến khi có nhà thầu tìm đến mà không thể chủ động, linh hoạt tìm kiếm đủ 3 báo giá như trước kia.
Một bất cập nữa và cũng là nỗi trăn trở lớn nhất đó là quy định bỏ phân nhóm vật tư. Điều này dẫn đến tất cả các loại vật tư y tế cao cấp, bình dân hay kém chất lượng đều bị đánh đồng, xếp lẫn lộn với nhau.
Nếu đơn vị nào sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua thiết bị tốt, đắt tiền, phục vụ nhân dân cũng không có cơ sở để phân biệt. Theo nguyên tắc, khi đấu thầu, phải chọn cái có giá thành rẻ. Mà đã giá rẻ thì làm sao có chất lượng tốt? – Vị lãnh đạo này khẳng định.
Khảo sát thêm ở một số bệnh viện khác, đa phần đều có chung một vấn đề khiến thủ trưởng các đơn vị hết sức đau đầu, đó là theo quy định hiện hành, Hội đồng khoa học kỹ thuật bệnh viện chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí kỹ thuật của vật tư y tế tại đơn vị mình.
Thế nhưng, đến khi mời thầu thì lại không được đưa tiêu chí kỹ thuật vào gói thầu, nếu không sẽ vi phạm quy định chỉ định thầu. Giữa những bất cập, “tréo ngoe“ trong các văn bản quy phạm pháp luật thì dù có muốn làm mới, làm khác đi cũng không thể “vượt rào“.
Ở khía cạnh khác, trong quá trình thực hiện quyền công tố, lãnh đạo một đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cho biết: Bộ luật Hình sự năm 2015, khoản 1 Điều 219 quy định “Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
Đây là một trong những căn cứ quan trọng, cần thiết để xử lý, ngăn chặn trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, quy định này cũng phần nào có tác động đến tâm lý của cán bộ khi muốn thực hiện thí điểm đổi mới, sáng tạo.
Bởi lẽ, khi thực hiện những nhiệm vụ mới mẻ, chưa có tiền lệ sẽ đồng nghĩa với việc đi kèm với rủi ro, thất bại, thiệt hại về tài chính. Như vậy, để cán bộ có thể yên tâm, tự tin đột phá, trên cơ sở của quy định này, cần có những thông tư hướng dẫn cụ thể để cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ pháp lý áp dụng, bảo vệ cán bộ, nếu quá trình triển khai thí điểm không đạt kết quả như kỳ vọng.
Không dám mạo hiểm
Nhiều năm trở lại đây, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, Đảng ta tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quyết tâm “loại bỏ” những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật ra khỏi đội ngũ, với phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”.
Trong năm 2022, cả nước có 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái pháp luật bị thi hành kỷ luật, trong đó, có 47 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý. Sự quyết liệt ấy đã giúp nhân dân tin tưởng Đảng và Nhà nước không bao giờ dung túng cho bất cứ cán bộ nào làm trái quy định, vi phạm đạo đức, dù đó là cán bộ cao cấp đến đâu, gia thế “khủng” đến mức nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để một cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá rất “hiếm có, khó tìm”. Bởi, ai cũng mang trong mình nhiều nỗi sợ khác nhau, sợ sai, sợ thất bại, sợ bị kỷ luật…
Ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, hoàn cảnh gia đình chị Phạm Thị Huê được nhiều người biết đến. Gia đình chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng nghiện ma túy, một mình chị nuôi 3 con nhỏ, trong đó, có 2 con bị tật nguyền. Hiện nay, 4 mẹ con chị Huê không có nhà ở, bà con hàng xóm thương tình dựng tạm căn nhà rộng chừng 10 m2 ven đường làm nơi trú nắng, trú mưa.
Thấu hiểu gia cảnh khốn khó của gia đình, UBND xã Thanh Trù đã gửi tờ trình lên UBND thành phố Vĩnh Yên đề xuất phê duyệt chủ trương cấp đất cho gia đình chị Huê. UBND thành phố Vĩnh Yên đã rà soát, chấp thuận. Tuy nhiên, phần đất xã dự kiến cấp cho gia đình chị lại nằm trên quy hoạch phân khu đang chờ phê duyệt. Không hiểu vì lý do gì, nhiều năm trôi qua, dự án vẫn chưa được thông qua.
Chia sẻ với phóng viên, chị Huê bày tỏ: Mẹ con tôi tha thiết mong muốn được chính quyền linh hoạt cho chuyển ra khu đất dự kiến cấp cho mẹ con tôi để dựng nhà ở tạm trước khi có quyết định phê duyệt. Bởi lẽ, chủ trương này được UBND thành phố Vĩnh Yên đã chấp thuận. Còn vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi không dám đòi hỏi ngay và sẵn sàng chờ đợi cho đến khi dự án được thông qua, chính quyền hoàn thành mọi thủ tục pháp lý liên quan.
Quan điểm của UBND xã cho rằng: Việc xử lý “linh hoạt” cho nhà chị Huê mặc dù hoàn toàn có thể thực hiện, tuy nhiên, không biết các cơ quan chuyên môn liên quan khác có nhất trí hay không.
Nếu cố để thực hiện sẽ đẩy chính quyền vào thế khó, bởi không có quy định nào làm căn cứ cho gia đình chị Huê đến ở và xây nhà trên đất trồng cây xanh như hiện tại. Mọi việc phải chờ đến khi có quyết định phê duyệt dự án, địa phương hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới có thể giải quyết nguyện vọng của chị.
Khi được hỏi về việc tham mưu “vượt rào”, một cán bộ khẳng định: Đối với những việc tuy thấu về tình, nhưng chưa đạt về lý như thế này cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của cấp có thẩm quyền để tránh sai phạm, bởi, nếu xảy ra sai sót, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Câu hỏi này cũng chính là vấn đề khiến hầu hết cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước e dè, không dám mạo hiểm; tư duy đổi mới bị cản trở và kìm hãm.
Chính vì vậy, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục nhắc đến thực trạng một số cán bộ có biểu hiện giữ an toàn quá mức, không dám tham mưu, không phát biểu. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần chấm dứt ngay tình trạng này, đồng thời, ban hành công điện về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương.
Lê Minh – Kim Ngân