Đến năm 2030 thu hút từ 40 – 45% (phấn đấu từ 50 – 55% theo chỉ tiêu của Trung ương) học sinh THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Phấn đấu, có 2 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao; có ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Nhiệm vụ, giải pháp kèm theo kế hoạch này là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Kế hoạch nêu rõ các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, sở, ngành tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tố chức quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW và kế hoạch này. Đảng đoàn HĐND lãnh đạo việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện địa phương; ban hành nghị quyết phân bổ kinh phí hàng năm bảo đảm cho đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hoá thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư và kế hoạch này. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện; định kỳ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW và kế hoạch này.
Trần Quốc