Bày tỏ sự nhất trí cao với các dự thảo Báo cáo đã trình bày trước Hội nghị và đồng tình với nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm của các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch và các đồng chí trong UBTVQH, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, 5 năm qua, UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai đầy đủ, hiệu quả, trách nhiệm của mỗi bên được ghi trong Quy chế phối hợp.
Trong đó phải kể đến công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân kịp thời, bài bản, chất lượng hơn, góp phần phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, phát huy mạnh mẽ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội. Hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát nhịp nhàng, chặt chẽ hơn.
Những nội dung cử tri và Nhân dân quan tâm đều được giám sát ở các cấp độ khác nhau; hầu hết các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia. Công tác giám sát đã giúp cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm giải quyết rốt ráo nhiều việc. Công tác phối hợp xây dựng luật thực chất, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng ban hành Luật, Nghị quyết … của Quốc hội.
Nhất là, được sự tạo điều kiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện khá tốt công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, Nghị quyết, có thêm căn cứ để đại biểu Quốc hội thảo luận khi thông qua Luật…
“Qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, chúng ta có thể khẳng định rằng, công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đạt được kết quả tốt hơn; nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; kịp thời, hiệu quả hơn; đồng thuận và thuyết phục hơn”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Tiếp cận từ góc độ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cảm nhận sâu sắc hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có nhiều đổi mới, vai trò, vị thế của cơ quan dân cử được nâng lên, hiệu lực, hiệu quả hơn; được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Theo đó, Quốc hội đã thật sự đồng hành cùng với Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển; kịp thời tạo hành lang pháp lý để giải quyết việc khó, việc mới chưa có tiền lệ.
Với 5 kỳ họp bất thường đã gỡ được nhiều “nút thắt”, được doanh nghiệp, người dân và các địa phương ghi nhận, hoan nghênh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã có sáng kiến lập pháp, tạo được cơ sở pháp lý, góp phần vào thành công trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Quốc hội thực sự coi trọng, lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân.
Hằng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về công tác dân nguyện, có ý kiến chỉ đạo kịp thời; đưa nội dung giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ra thảo luận và ban hành Nghị quyết – đây là điểm mới, rất đáng trân trọng. Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị triển khai, rà soát thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết… do Quốc hội ban hành; việc đó thúc đẩy đưa Luật và các văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống; Việc tổ chức họp trực tuyến, chia kỳ họp thành 2 đợt, tăng thời lượng truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội…nhận được sự đồng tình của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân.
“Việc đổi mới cách thức điều hành của chủ tọa các phiên họp, nhất là phiên khai mạc, phiên chất vấn, phiên thảo luận có những vấn đề “nóng”, đảm bảo trang trọng, dân chủ, nghiêm túc nhưng rất cởi mở, đồng cảm, chia sẻ với các chủ thể, đạt được nhiều mục tiêu”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến phát biểu và bày tỏ, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng cảm ơn sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội và cá nhân đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Từ những kết quả trong công tác phối hợp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của UBTVQH. Trước tiên là việc cử các chuyên gia giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để dự thảo Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện nhân đạo trình Quốc hội đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng.
Nhắc tới thành công cuộc vận động làm 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề xuất và được đồng chí Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương thống nhất về nguyên tắc sẽ tổ chức phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát nằm trong Cuộc vận động “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Sơ kết phong trào vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/2025; tổng kết vào tháng 1/2026 với mục tiêu cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong đó, có đề xuất sử dụng số kinh phí ủng hộ phòng, chống Covid – 19 còn lại để hỗ trợ cho những địa phương khó khăn.
Nhắc tới việc Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo Ban Thường trực tổ chức nghiên cứu, xây dựng 3 Đề án: Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 – 2029, trong đó có đề xuất cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến, kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024 – 2029; Đề án Chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024 – 2029, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn khi được cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ủng hộ để MTTQ Việt Nam thuận lợi trong triển khai Đề án.
Đề cập tới bài viết “Tự hào, tự tin dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin, đồng chí Tổng Bí thư đã nhắc lại cụm từ “nhân dân” 63 lần; cụm từ “đoàn kết” 16 lần; cụm từ “đại đoàn kết”, “đại đoàn kết toàn dân tộc” 9 lần. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Thấm nhuần tư tưởng đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.