Văn hóa là động lực mạnh, mục tiêu lớn để xây dựng chủ nghĩa xã hội
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. 50 năm qua, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng phù hợp với từng chặng đường của cách mạng.
Năm 1986 đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy lý luận của Đảng trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới, trong Văn kiện của Đại hội đã xác định: “Hiện nay, văn hóa là bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa là một động lực mạnh mẽ đồng thời là một mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc”.
PGS. TS Phạm Văn Linh cho biết thêm, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hóa vừa tiếp thu những văn hóa mới cho phù hợp với thời đại, với con người, lược bỏ những quan niệm lạc hậu, lỗi thời nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chứa đựng những yếu tố tạo ra sức sống, bản lĩnh dân tộc, bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay, văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”. Đồng thời, yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”.
“Do vậy, mong các đồng chí, các nhà khoa học với tinh thần dân chủ, cởi mở phát biểu về các nội dung trên, góp phần xây dựng cơ sở phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, góp phần công tác hoạch định đường lối của Đảng trong Đại hội lần thứ XIV tới đây. Đồng thời hướng tới tiếp tục hoàn thiện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng”, PGS.TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề cơ bản về những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua. Những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.
Phát triển văn hóa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thành phố Hà Nội luôn chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Vì thế, hội thảo là dịp để Hà Nội có cơ hội giao lưu, trao đổi, thảo luận giới thiệu với các đại biểu về mảnh đất, con người Thủ đô với truyền thống trong lịch sử và hiện tại.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố.
Nhờ đó, công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng của Thủ đô.
“Hội thảo góp phần cung cấp luận cứ để Thành ủy Hà Nội hoàn thiện văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, trong đó có nội dung liên quan đến văn hóa, con người”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, 50 năm qua, điều ông nhận thấy rõ nhất chính là sự chuyển biến vượt bậc về nhận thức của lãnh đạo và nhân dân Thủ đô về văn hóa.
TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, sự thay đổi nhận thức diễn ra ở các cấp, trong đội ngũ lãnh đạo và trong lòng dân. Thủ đô Hà Nội thực sự đang đi đầu trong phát triển văn hóa. Nhiều chỉ thị, kế hoạch, hội thảo về xây dựng văn hóa, con người Hà Nội liên tục được triển khai. Đây là một bước tiến vượt bậc trong xây dựng và phát triển Thủ đô trong 50 năm qua.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) đánh giá: “Hà Nội là ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước. Với Nghị quyết 09 của Thành ủy cùng hàng loạt các chương trình, chỉ thị, kế hoạch…, Thủ đô thực sự đã có nhiều bứt phá trong lĩnh vực văn hóa”.
Do vậy, để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, thành phố Hà Nội cần nhiều hơn không gian sáng tạo, sự kiện sáng tạo để hình thành con người sáng tạo. Đó là điều cơ bản để phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tại Hội thảo, các tham luận của lãnh đạo, khách mời đưa ra nhằm tiếp tục triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), để góp phần vào việc tổng kết 50 năm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội thảo là một bước thảo luận nhằm nhận thức, đánh giá đúng và đầy đủ hơn những thành tựu và những vấn đề đặt ra 50 năm qua trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là nội dung có tính bao quát, liên quan đến cả vấn đề lý luận và thực tiễn.
Việt Trung – Ảnh: Đình Hiệp
Nguồn: https://www.congluan.vn/can-doi-moi-de-van-hoa-tro-thanh-suc-manh-noi-sinh-thuc-day-phat-trien-dat-nuoc-post304545.html