Ông Nguyễn Văn Đèo có nhu cầu tư vấn: Năm 1980, tôi có cho ông A ở nhờ trên phần đất 4.000m2 (trên đất có nhà 100m2). Ông A được quản lý và sử dụng 4.000m2 đất này. Anh em tôi công tác ở xa nên thỉnh thoảng mới về quê. Năm 2019, qua người quen tôi biết được ông A đã tự ý đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên phần đất giữ hộ. Ông A được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và đã bán 2.000m2 đất cho người khác. Xin hỏi, tôi phải làm sao để đòi lại đất, thủ tục ra sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
– Căn cứ vào Quyết định số 201 ngày 1-7-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước quy định: Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm đảm bảo ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Theo thông tin ông cung cấp, ông cho ông A ở nhờ trên đất vào thời điểm năm 1980. Lúc này, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, người dân không có quyền cho người khác ở nhờ hay cho thuê hoặc mua bán.
Tuy nhiên, do ông không có nói rõ là ông đã có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu đối với phần đất 4.000m2 và giấy tờ hợp pháp chứng minh cho ông A ở nhờ tại phần đất này hay không? Do vậy, dựa vào thông tin của ông cung cấp, luật sư xin tư vấn như sau:
Trường hợp ông có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu đối với phần đất 4.000m2 và giấy tờ hợp pháp chứng minh rằng ông cho ông A ở nhờ (cho thuê, cho mượn) tại phần đất này, thì ông có thể làm đơn khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để tranh chấp QSDĐ, yêu cầu ông A trả phần đất nêu trên theo thủ tục chung.
Trường hợp ông không có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu đối với phần đất 4.000m2 và giấy tờ hợp pháp chứng minh cho ông A ở nhờ (cho thuê, cho mượn) tại phần đất này thì ông không có căn cứ để khởi kiện và không thể đòi lại đất được.
Lý do: Ông A đã canh tác đất 39 năm (tính từ năm 1980 – 2019), ông A đã xác lập được quyền sở hữu đối với phần đất này theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Do vậy, trong trường hợp này, ông không có căn cứ để khởi kiện và không thể đòi lại đất được.
H. Trâm (thực hiện)