Dự án Airboots, robot canh tác nông nghiệp của Công ty Shoes Agtech, đã đoạt giải nhất cuộc thi AiViet Innovation 2024, cùng giải thưởng trị giá 500 triệu đồng.
Đại diện Airboots nhận giải nhất cuộc thi AiViet Innovation 2024 - Ảnh: HỒNG PHÚC
Sau bốn tháng phát động, vòng chung kết AiViet Innovation Award 2024 vừa diễn ra vào chiều 17-2 tại TP.HCM, với phần thuyết trình trực tiếp từ bảy dự án tiêu biểu. Kết quả chung cuộc, giải nhất thuộc về Airboots.
PGS Vũ Ngọc Ánh, một trong những giảng viên trẻ được phong chức danh phó giáo sư vào năm 2019 khi mới 37 tuổi, dẫn dắt đội ngũ thực hiện dự án này.
Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu thiết kế các thiết bị tự động.
Từ tám năm trước, với vai trò giảng viên kỹ thuật hàng không tại Đại học Bách khoa TP.HCM, ông Ánh cùng một số thành viên đã chế tạo các thiết bị bay không người lái phục vụ nông nghiệp.
Tuy nhiên thiết bị này gặp một số hạn chế như tải trọng thấp, thời gian bay ngắn, dễ gặp sự cố và chi phí vận hành cao.
Đến năm 2022, PGS Vũ Ngọc Ánh và các cộng sự tại trường đã nghiên cứu và áp dụng nguyên lý lực kéo để chế tạo Airboots.
Loại máy này có khả năng gieo hạt, phun thuốc và bón phân cho cây lúa, giúp kiểm soát lượng thuốc trừ sâu hợp lý và giải quyết bài toán thiếu lao động ở nông thôn.
PGS Vũ Ngọc Ánh cho biết dù áp dụng cho ruộng cấy hay sạ, máy đều hoạt động hiệu quả.
Trước đây, chế tạo thiết bị bay không người lái chỉ mất một năm để hoàn thành và có thể tự động hóa hoàn toàn.
Nhưng với Airboots, việc vận hành hiệu quả trong môi trường bùn lầy và nước lại là một thách thức lớn.
"Nhóm chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp hệ thống điều khiển từ bán tự động lên hoàn toàn tự động", PGS Ánh nói và lý giải rằng "Airboots" nghĩa là "đôi giày không khí".
Trong hai năm qua, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thiết kế và kiểm nghiệm thực tế, qua tám phiên bản thử nghiệm.
Airboots đi trên ruộng lúa nhờ hệ thống phao nhỏ hoạt động như máng trượt.
Hệ thống có thể được cải tiến và vận hành hoàn toàn tự động bằng GPS. Nhiều người lo ngại máng trượt có thể làm gãy cây lúa, nhưng thực tế không xảy ra vấn đề này.
Theo ước tính của đại diện Airboots, so với drone và các thiết bị nông nghiệp khác, thiết bị này có một số ưu điểm như chi phí vận hành chỉ bằng 1/3 drone, giá thành rẻ hơn một nửa, tải trọng gấp ba lần và có thể hoạt động trên mặt ruộng liên tục trong một giờ mà không cần xin phép bay như drone.
Năm vừa qua, nhóm đã tiến hành nghiên cứu thị trường tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhận được hai đơn đặt hàng, dù sản phẩm chưa chính thức thương mại hóa.
Mô hình kinh doanh của Airboots là B2B, tập trung cung cấp cho các công ty phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ drone và hợp tác xã nông nghiệp.
Doanh thu của dự án đến từ ba nguồn chính: bán máy, cho thuê và đăng ký sử dụng bản quyền.
Ngoài việc ký kết hợp tác với một số đối tác như Tập đoàn Lộc Trời, Airboots đã gọi vốn từ một đơn vị tại Singapore cũng như được chọn tham gia chương trình Incubation Program kéo dài sáu tuần do Chính phủ Mỹ tài trợ.
Theo đại diện dự án, từ cuối tháng 3-2025 phiên bản thương mại của Airboots sẽ ra mắt để đáp ứng hai đơn hàng đầu tiên cho hợp tác xã ở Cần Thơ.
Giai đoạn 2025-2029, nhóm sẽ phát triển thêm phiên bản nhỏ và lớn, phục vụ thị trường trong nước và quốc tế với đầy đủ ba tính năng.
Sau năm 2027, thiết bị này sẽ được tối ưu hóa để ứng dụng vào nhiều loại cây trồng khác ngoài lúa, như rau, hoa, khoai tây, đậu và bắp.
TS Nguyễn Thành Nam, một trong những nhà sáng lập FPT và chủ tịch AiViet Venture, cho biết cuộc thi năm nay nhận được 107 hồ sơ đăng ký, trong đó nhiều dự án đến từ các giáo sư, tiến sĩ thuộc các trường đại học và viện nghiên cứu.
Ông đánh giá đây là tín hiệu tích cực, cho thấy tinh thần khởi nghiệp không chỉ giới hạn trong sinh viên mà còn cần sự đóng góp trí tuệ từ các giảng viên và nhà nghiên cứu.
"Chúng ta không chỉ tập trung vào nghiên cứu và phát triển, mà cần sáng tạo và thương mại hóa nhanh chóng. Thách thức lớn nhất là làm sao để đưa nghiên cứu khoa học vào thực tế và tạo ra doanh thu. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần dựa vào khoa học kỹ thuật, không có con đường nào khác", TS Nguyễn Thành Nam nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/doi-giay-khong-khi-dung-trong-canh-tac-lua-dat-giai-nhat-aiviet-innovation-2024-20250217200944123.htm
Bình luận (0)