Đánh giá được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng tác nghiệp báo chí cho đội ngũ nhà báo, người làm báo trong tỉnh, tháng 9 năm 2005, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Việt Nam, mở lớp tập huấn “Nghiệp vụ báo chí”, do các giảng viên của Trung tâm là thầy Trần Đình Thảo, thầy Nguyễn Uyển lên lớp.
Học viên chúng tôi, hầu hết đã bén duyên nghề viết; có những người được học bài bản, tốt nghiệp các trường báo chí, phát thanh, truyền hình… nhưng cũng có những người chỉ mới viết bằng lòng đam mê. Sau 5 ngày học tập và thực hành, chúng tôi về với thực tế và trang viết, thấy mình tự tin hơn, viết lách hiệu quả hơn, đúng như có câu ngạn ngữ: “Không thầy đố mầy làm nên”!
Tháng 4 năm 2006, Hội tiếp tục mở lớp thứ hai, lớp “Ngôn ngữ báo chí” do thầy Nguyễn Tri Niên trực tiếp lên lớp. Chúng tôi được giới thiệu, thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Ngữ văn, thuộc Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (Nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền). Sau khi nghỉ làm quản lý, thầy tiếp tục làm giảng viên, giảng dạy Ngôn ngữ Báo chí tại đây.
Trước khi nhận lời với Thường trực Tỉnh Hội vào giảng cho lớp, thầy vừa xuất bản và ra mắt cuốn “Ngôn ngữ báo chí”. Mỗi người chúng tôi đều được sử dụng và coi cuốn sách như cẩm nang của nghề báo. Nội dung sách gồm một số bài giảng, bài viết về ngôn ngữ dùng cho người viết báo, do chính thầy đứng tên tác giả – Nhà nghiên cứu lý luận báo chí, nhà báo Nguyễn Tri Niên. Đây quả là một công trình nghiên cứu công phu, trí tuệ trong lĩnh vực ngôn ngữ báo chí. Đối với chúng tôi, tuy còn có chút xa lạ, mới mẻ nhưng khi tìm hiểu sâu mới thấm ra: Ngôn ngữ dành cho báo chí thường là… “siêu ngôn ngữ”!.
Qua thời gian lớp học, kỹ năng chuyên nghiệp sắc sảo và sức truyền cảm của thầy Nguyễn Tri Niên đã trở nên rất gần gũi với các học viên chúng tôi…
Cũng qua 5 ngày giảng dạy, thầy đã trang bị cho chúng tôi hàng chục tiết học, gồm: “Những hiểu biết cần thiết của người làm báo”; “Đặc điểm của ngôn ngữ báo chí”; “Các mối quan hệ của ngôn ngữ”; “Tận dụng tính ngôn ngữ học của ngôn ngữ báo chí”; “Quan hệ ngữ đoạn và tầm quan trọng”; “Biên tập báo chí”; “Quy luật sử dụng từ đơn trong tiếng Việt”; “Kết luận về quy luật ngôn ngữ”; “Kinh nghiệm tin ngắn và những mâu thuẫn”; “Ngưỡng và tầm quan trọng của ngưỡng”; “Kinh nghiệm về vượt ngưỡng”; “Một số lưu ý thường gặp”… Sau cùng là buổi tổng kết lớp vào chiều 12/4/2006.
Qua quá trình bồi dưỡng nghiệp vụ quý báu ấy, chúng tôi vẫn nhớ và thấm thía những điều thầy Nguyễn Tri Niên căn dặn: “Làm báo là tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị. Cái này phải rõ ngay từ đầu. Ai định sống chết với nghề thì phải nhớ như đinh đóng cột. Mình làm báo tức là tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị, chứ không có vẩn vơ trong chuyện này. Phải rõ như thế, thì mới có thể làm báo được. Vì tất cả báo chí đều đến bạn đọc, đến bạn nghe đài. Tất cả đều sử dụng ngôn ngữ, dù cho là báo hình, thì hình là “chính văn”, còn lời là “thứ văn” nhưng không thể có hình mà không có lời. Ngay cả khi có lời, thì lời phải như thế nào mới xứng với hình. Ngay cả khi có hình tốt, thì lời phải như thế nào để tôn cái hình lên, làm rõ cái hình ra. Cho nên cuối cùng, dù là loại hình báo gì, thì ngôn ngữ vẫn là thứ truyền tải thông tin cực kỳ quan trọng. Vì thế, chúng tôi muốn các bạn lưu tâm đến tác dụng của ngôn ngữ trong cuộc sống. Để có được những điều trên, tức là có một nhận thức chính trị sắc bén, một kỹ năng về ngôn ngữ để đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ, nhà báo phải có một vốn kiến thức hết sức phong phú”.
Thế nên, khi rời lớp học, qua hoạt động thực tiễn, các thế hệ học viên vẫn nhớ đến chất giọng và những bài giảng hấp dẫn của thầy trong môn học “Ngôn ngữ báo chí”, cũng như luôn nhớ đến thầy, với sự yêu mến, kính trọng. Tiếc là, cả lớp ngày đó không ai có… một chiếc máy ảnh để có thể chụp chung với thầy một tấm ảnh làm kỉ niệm.
Thời gian thấm thoắt 17 năm trôi qua, tôi cũng đã có những thành quả nhất định trong nghề báo và luôn nhớ tới công ơn quý thầy! Những lần ra Hà Nội, tôi đã gặp lại thầy Nguyễn Uyển; được tiếp xúc với thầy Trần Bá Lạn, cây đại thụ của những người dạy làm báo nước nhà. Trong những dịp như thế, tôi tha thiết tìm gặp và thăm thầy Nguyễn Tri Niên, thầy Trần Đình Thảo nhưng do điều kiện công việc, phụ thuộc về thời gian, nên cậu học trò đến từ Quảng Trạch (Quảng Bình), chăm học và hay phát biểu ngày đó vẫn chưa thỏa nguyện với hai thầy.
Bỗng vài năm trước, nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi được con gái thầy, Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh – Giảng viên Khoa Y Dược, Trường Đại học Thành Đông cho hay, thầy đã về miền cõi hạc. Một trong những người thầy từng dạy dỗ chúng tôi, truyền cảm hứng, niềm đam mê nghề viết cho chúng tôi ngày đó đã đi xa. Rất may, trước đó, tôi đã nhờ Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Thủy là học trò và là đồng nghiệp của thầy gửi cho tấm ảnh, cô chụp cùng thầy giáo kính yêu những năm công tác ở Huế, để nhớ về thầy trong ngày Báo chí Việt Nam. Song trong lòng tôi luôn ấp ủ, phải thể hiện tri ân thầy bằng mọi cách có thể!
Thế rồi, tháng 10/2022, tôi cùng ái nữ của thầy đều trở thành học viên lớp Bồi dưỡng viết văn khóa XVI, của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du – Hội Nhà văn Việt Nam. Lớp có gần 100 học viên nhưng tới 1/3 là học trò cũ của thầy Nguyễn Tri Niên. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đã giúp chúng tôi kết tình anh em và cùng nhau về Hà Đông dâng hương tưởng nhớ thầy. Trước di ảnh thầy, dù đã cố kìm nén xúc động nhưng tôi vẫn bật khóc, làm anh chị em cùng đi đều lau nước mắt. Tiếng khóc làm lòng tôi thêm ấm áp, giúp tôi giải tỏa sự hối hận không tìm gặp thầy sớm hơn, dù chỉ để nhìn thầy và nói một lời cám ơn!
Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi viết lại những dòng cảm xúc này, xin thành kính đa tạ công ơn các thầy giáo đã tận tình dạy dỗ, để những cây bút của chúng tôi thêm vững vàng, có những trang viết được công chúng yêu mến như ngày hôm nay. Tôi tin rằng, các thế hệ học trò làm báo đều là người trọng nghĩa, hẳn sẽ mãi mãi ghi nhớ tình thầy!!!
Nguyễn Tiến Nên