Mùi khói đốt đồng giờ được thay bằng mùi hương của nấm, mùi ngái nồng của rơm ủ mục thêm dưỡng chất cho mảnh vườn, ruộng lúa. Những thay đổi nhỏ tạo thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ từ những sợi vàng rơm…
Đó là câu chuyện tận dụng nguồn nguyên liệu từ rơm rạ của nông dân tỉnh An Giang. Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ, nông dân ở đây đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.
Sau khi tham gia một lớp học khuyến nông của hợp tác xã địa phương, ông Nguyễn Thanh Hà, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, lần đầu trồng nấm rơm trong nhà kính, tận dụng rơm rạ bỏ đi làm nguyên liệu.
Với 400 triệu đồng từ sự hỗ trợ của tỉnh và nửa còn lại từ nguồn vốn cá nhân, ông Hà đầu tư xây dựng 8 nhà kính trồng nấm, mỗi nhà rộng 24m²; cùng với đầu tư sắt, cao su, mút và các vật liệu cần thiết khác.
Sau 2 năm, ông Hà đã bắt đầu gặt hái. Cụ thể, mỗi tháng thu về khoảng 70kg nấm rơm, có mức giá 100.000 đồng/kg, tương đương mỗi nhà kính đem lại lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng.
“Như vậy thu nhập mỗi tháng từ toàn bộ hệ thống khoảng 24 triệu đồng. Khi sản phẩm đưa ra thị trường, ban đầu rất khó khăn nhưng nhờ chất lượng nấm ngon, sạch, ngày càng có nhiều người tìm mua. Hiện nay, tôi không chỉ cung cấp cho các chợ mà còn có đầu mối đặt hàng ổn định”, ông Hà thông tin.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra nấm từ nguyên liệu rơm, ông Hà còn phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn. Rơm mục và các phế phẩm từ trồng nấm được sử dụng để nuôi trùn quế, lấy phân hữu cơ bón cho rau màu như cải, cà và hoa màu.
Câu chuyện của ông Hà, nông dân tỉnh An Giang không phải là trường hợp duy nhất khi tận dụng phế phẩm nông nghiệp, mà còn rất nhiều “ông Hà” trải dài khắp Việt Nam, khi xu hướng biến phụ phẩm thành “chính phẩm” cho đầu vào trong sản xuất.
Những “trái ngọt” ban đầu về thay đổi nhận thức giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch của ông Hà và hàng ngàn nông dân ở An Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Ninh Bình, Thanh Hóa… có phần đóng góp của các nhà khoa học, đối tác cùng phối hợp triển khai dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của hóa chất nông nghiệp và đốt lộ thiên với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học ở Việt Nam”.
Dự án được thiết kế và triển khai từ năm 2022 đến 2025 thông qua nỗ lực hợp tác giữa Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) với các bên liên quan và được tài trợ bởi Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA).
Là người làm việc trực tiếp với nông dân khi triển khai dự án nói trên, PGS.TS Đinh Văn Phúc, Viện Khoa học xã hội liên ngành, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, cho biết các mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ cho thấy, việc sử dụng chế phẩm vi sinh trong nông nghiệp không chỉ giúp cải thiện đất bằng cách phân hủy chất hữu cơ mà còn có tác động tích cực đến sự phát triển của vi sinh vật hiếu khí trong đất.
“Trong vụ hè thu ở Trà Vinh, lợi nhuận từ mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh là hơn 22 triệu đồng, cao hơn 4 triệu đồng so với ruộng đối chứng. Đặc biệt, sử dụng vi sinh xử lý rơm rạ mang lại lợi ích về sức khỏe cho nông dân”, ông Phúc chia sẻ.
Thực tế cho thấy đa số nông dân muốn làm nông nghiệp xanh nhưng ngại thay đổi, nên nhiệm vụ của những nhà khoa học như ông Phúc là phải hướng dẫn sao để không thay đổi quá nhiều tập quán canh tác.
Để thuyết phục nông dân, ông Phúc không ngại đến từng nhà, thậm chí ra tận ruộng lúa để hướng dẫn, tư vấn để cốt sao bà con thôi đốt đồng, mang lại sức khỏe cho đất, sức khỏe cho người nông dân vì giảm đốt rơm cũng giúp giảm các bệnh đường hô hấp cho nông dân.
“Có trường hợp nhóm nghiên cứu phải đến tận nơi để trao đổi và giải thích cho người dân, nhóm nghiên cứu đã phải dành nhiều thời gian và công sức để tuyên truyền và giải thích về dự án và chế phẩm sinh học”, ông Phúc kể lại những ngày cùng nông dân tỉnh An Giang áp dụng mô hình.
Tại Đắk Nông, nơi người dân đang canh tác hơn 34.000 ha hồ tiêu và là địa phương đứng đầu khu vực Tây Nguyên về diện tích hồ tiêu, trong phạm vi dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của hóa chất nông nghiệp và đốt rơm rạ lộ thiên đối với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học ở Việt Nam”, nhiều nông dân đã biết áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong canh tác, từng bước nâng cao chất lượng hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ, mở rộng diện tích trồng tiêu chất lượng cao, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Lưu Như Bính, giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, cho biết nhờ áp dụng quy trình canh tác IPM hợp tác với Liên minh Rừng mưa (Rainforest Alliance – RA), hoa màu khỏe hơn, ít bệnh, năng suất tuy không cao đột biến nhưng duy trì được sức bền qua nhiều năm.
Hiện 65 gia đình thành viên hợp tác xã hầu như không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh bởi họ đã biết áp dụng biện pháp hữu cơ, sinh học, không để lây lan ra diện rộng.
Sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận RA làm tăng giá trị nông sản như cà phê, hồ tiêu giúp chất lượng nông sản cao hơn, giá bán ra thị trường tốt hơn mặt bằng chung.
“Gần 3 năm nay, gia đình đã không còn sử dụng thuốc diệt cỏ vì nhận thức được tác hại với môi trường đất, nước, và chính sức khỏe thành viên gia đình”, ông Nguyễn Đình Công, nông dân tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, chia sẻ.
Tâm đắc với những kết quả dự án, ông Nguyễn Văn Thiết, giám đốc quốc gia Rainforest Alliance, chia sẻ việc áp dụng kỹ thuật canh tác IPM giúp bà con nông dân cải thiện sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng và giúp cho môi trường sinh thái.
V.A.MINH – NHẬT XUÂN
9/12/2024
Nguồn: https://tuoitre.vn/doi-doi-nho-soi-rom-vang-20241201195841506.htm