(LĐXH) – Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương vận động người dân, đặc biệt là lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia thị trường lao động.
Trong đó có đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, giúp người lao động (NLĐ) tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài.
Đi lao động ở nước ngoài để thoát nghèo
Xác định, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thời gian qua, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề và hỗ trợ NLĐ.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Nam đưa hơn 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Đài Loan. Để hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, rà soát nhu cầu của lao động để tư vấn, định hướng cho NLĐ.
5 năm trước, anh Phan Hữu Trung ở thôn ĐhaMi, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam thuộc diện khó khăn, không có việc làm ổn định.
Sau khi có chương trình hỗ trợ người nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, anh Trung được chính quyền địa phương hỗ trợ làm hồ sơ vay 200 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở Nhật Bản.
Sau 3 năm làm việc ở xứ người với thu nhập khoảng 30 – 35 triệu đồng/tháng, không chỉ giúp gia đình anh Trung thoát nghèo mà còn có vốn để trở về quê đầu tư kinh doanh vận tải, có nguồn thu đáng kể.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn, trú tại thôn 5 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) vốn thuộc diện hộ nghèo. Nhà đông người nhưng ruộng, vườn ít nên dù có chăm chỉ lao động may lắm cũng chỉ đủ ăn.
Được chính quyền địa phương tuyên truyền về chương trình hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Hoàn quyết định vay vốn cho con trai đi làm việc ở Angola. Sau hai năm chăm chỉ làm việc ở xứ người, tích cóp được ít vốn, con trai ông Hoàn trở về và tiếp tục làm hồ sơ đi làm việc ở Nhật Bản.
Có được nguồn vốn, anh Nguyễn Xuân Hải (con trai ông Hoàn) gửi tiền về hỗ trợ cho 4 người em sang làm việc ở Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn thu nhập từ những người con đi làm việc ở nước ngoài đã giúp cuộc sống của gia đình ông Hoàn có nhiều thay đổi.
“Khi các con đi làm việc ở nước ngoài có lương cao đã giúp gia đình tôi thoát nghèo. Rồi kinh tế gia đình dần khá lên, vợ chồng tôi sửa sang nhà ở, sắm được thiết bị, phương tiện đắt tiền và có thêm vốn tích lũy để sau này các con về quê lập nghiệp. Đầu tư cho các con đi làm việc ở ngoài theo hợp đồng là quyết định đúng đắn của gia đình”, ông Hoàn chia sẻ.
Về quê làm giàu…
NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không chỉ có thu nhập giúp gia đình thoát nghèo mà còn học được nhiều kiến thức, kỹ năng lao động để tiếp tục phát huy sau khi về nước. Người dân thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ai cũng biết ông Dương Đức Hiển.
Ông Hiển từng đi làm việc ở Hàn Quốc theo hợp đồng. Sau khi về nước, có vốn và kiến thức học được ở xứ người, ông quyết định mở công ty vừa để phát huy những kiến thức đã học được, vừa để làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Công ty của ông Hiển tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động địa phương với mức lương 8 – 9 triệu đồng/người/tháng và được đóng BHXH đầy đủ. Ông Hiển cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng rất khó khăn do không có việc làm và thu nhập ổn định. Được chính quyền địa phương giới thiệu, tôi đã vay vốn và đăng ký đi làm việc ở Hàn Quốc.
Năm 2007 tôi về nước, hiểu được nỗi khổ của NLĐ khi không có việc làm và thu nhập nên tôi quyết định gom hết số tiền kiếm được khi đi làm việc ở xứ người và vay thêm để mở công ty, tạo việc làm cho lao động địa phương. Sẵn có kỹ năng may mặc khi đi làm việc ở Hàn Quốc nên tôi mở xưởng may mặc. Đến nay, hàng hóa đã được xuất đi nhiều nơi trên thế giới”.
Với anh Lê Quốc Đại ở xã Hưng Đông (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), đi làm việc ở Đài Loan trở về không chỉ giúp gia đình có vốn và còn “lận lưng” tay nghề bậc cao về cơ khí, chế tạo máy. Sau khi đi làm việc ở Đài Loan trở về, anh Đại mở công ty chuyên cơ khí, chế tạo máy, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 10 – 14 triệu đồng/người/tháng.
“Đi làm việc ở nước ngoài là con đường thoát nghèo, nhưng nếu không biết tích lũy đồng tiền mình làm ra và phát huy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp thì tiền cũng sẽ sớm tiêu hết. Vì thế, thời gian làm việc ở Đài Loan tôi đã học được kiến thức, kỹ năng để khi về nước có thể phát huy để tiếp tục phát triển kinh tế”, anh Đại cho hay.
NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất của các nước phát triển, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, yêu cầu kỷ luật cao và rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng. Những kiến thức, trải nghiệm tích lũy được từ quá trình làm việc ở nước ngoài giúp NLĐ tự tin hơn sau khi trở về Việt Nam lập nghiệp.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 5
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/doi-doi-nho-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-20250110102912480.htm