Đổi đời từ tích tụ ruộng đất
Năm 2014-2016 trên địa bàn tỉnh Thái Bình xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng; trong đó có nơi bỏ cả vụ canh tác. Thực trạng này khiến nhiều nơi ruộng đất bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai – tư liệu sản xuất quan trọng của ngành nông nghiệp. Từ thực tế đó, nhiều nông dân đã mượn ruộng để canh tác và cho thấy hiệu quả ngay từ vụ xuân 2017. Đây là tiền đề để phát triển các mô hình sản xuất tích tụ đất đai trên địa bàn.
Chị Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh (huyện Kiến Xương) hiện là một trong những “đại điền” điển hình của tỉnh Thái Bình. Chị cho biết, năm 2015 khi thấy nhiều nông dân không mặn mà với ruộng đất, nhiều diện tích “bờ xôi ruộng mật” bỏ hoang nên gia đình chị đã mượn lại gần 8 ha của người dân 4 thôn trong xã Bình Minh để mở rộng sản xuất. Sau một năm thâm canh lúa cho thu nhập cao, năm 2016 chị Lanh tiếp tục vận động bà con trong xã cho thuê, mượn ruộng. Đến nay, chị Lanh đã trở thành hộ tích tụ ruộng đất nhiều nhất của tỉnh Thái Bình với diện tích hơn 70 ha.
Tháng 4/2022 chị Lanh đã thành lập Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh. Đây cũng là hợp tác xã đầu tiên ở tỉnh Thái Bình được hình thành do người tích tụ diện tích lớn đứng lên làm chủ, áp dụng máy móc hiện đại phục vụ sản xuất từ khâu gieo mạ đến khâu thu hoạch đầu ra sản phẩm như máy làm đất, máy gặt, máy cấy, giàn sấy thóc, máy gieo hạt, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu không người lái. Do đó, không chỉ phục vụ sản xuất của gia đình mà hợp tác xã của chị Lanh còn làm dịch vụ gần 100 ha cho các hộ dân và các hợp tác xã lân cận, đem lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được biết đến như người “giải cứu” ruộng hoang khi mạnh dạn thuê lại khoảng 50 mẫu ruộng gieo cấy 2 vụ lúa từ các hộ dân trong xã bỏ không. Để làm “cuộc cách mạng” nông nghiệp, ông Dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến. Ông đã đầu tư máy cấy, máy làm đất, máy gặt, máy bón phân,… và hệ thống kho sấy với khoảng 3,5 tỷ đồng.
Để có giống tốt, ông còn lần mò vào tận Sóc Trăng để tìm mua giống lúa ST25 cho ra loại gạo ngon nhất thế giới trồng thử nghiệm. Kết quả, cả 2 vụ giống lúa này đều cho năng suất khá, chịu sâu bệnh tốt và thích nghi được với khí hậu miền Bắc. Năm 2021, ông Dân đã mở rộng diện tích gieo cấy lại lúa này theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp. Nhờ hiện đại hóa và canh tác trên “cánh đồng mẫu lớn”, mỗi năm thu nhập từ làm ruộng mang lại cho ông Dân hàng tỷ đồng.
Còn tại huyện Đông Hưng, năm 2002-2004 huyện này đã thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa nhằm đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Kết quả bình quân mỗi hộ có 3,7 thửa, giảm 49,7% so với trước dồn điền. Theo UBND huyện Đông Hưng, thực tế sản xuất hiện nay nhiều lao động chuyển dịch khỏi khu vực nông nghiệp – nông thôn. Theo điều tra sơ bộ trên địa bàn huyện có khoảng 10% các hộ có ruộng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp; 20% số hộ có nhu cầu cho thuê, mượn ruộng; 20% hộ nếu giá thuê ruộng hợp lý thì sẽ thỏa thuận cho thuê ruộng; còn 50% các hộ vẫn có nhu cầu sản xuất.
Hiện huyện Đông Hưng là địa phương dẫn đầu của tỉnh Thái Bình về số hộ tham gia tích tụ đất đai với trên 500 hộ, diện tích khoảng 1.200 ha (trong đó 67 hộ tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên, 17 hộ tích tụ từ 10 ha trở lên). Việc tích tụ ruộng đất cũng đã giúp địa phương này sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Nếu như năm 2018 toàn huyện có tới 400 ha diện tích ruộng hoang thì đến năm 2023 diện tích bỏ hoang chỉ còn 35 ha, chủ yếu ở các vị trí khó canh tác, cạnh khu công nghiệp, chuột bọ phá hại, nước thải ô nhiễm, khu trũng, khó khăn cơ giới hóa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, từ khi manh nha những hộ tích tụ ruộng đất đầu tiên vào năm 2015 – 2016, đến nay toàn tỉnh đã có trên 1.700 hộ nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất theo hướng hàng hoá từ 2 ha trở lên với tổng diện tích tích tụ, tập trung đạt 5.676 ha, tăng 3.883 ha so với năm 2017; chủ yếu thực hiện theo hình thức thuê đất. Trong đó 140 hộ tích tụ từ 5 ha trở lên; 120 hộ tích tụ từ 7 ha trở lên. Giá thuê ruộng đất từ 50 đến 80 kg thóc/sào/năm, thời hạn thuê đất bình quân 5 năm.
Để có nhiều hơn những cánh đồng mẫu lớn
Mặc dù lợi ích của việc tích tụ, tập trung đất đai đã rõ nhưng để mô hình này phát huy hiệu quả tối đa trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, cần sớm được tháo gỡ. Là một trong 200 thành viên trong Hội đại điền Thái Bình, nông dân Nguyễn Văn Nghị (xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư) hiện đang tích tụ khoảng 20 ha, phục vụ canh tác lúa. Ông cho biết, ưu điểm của sản xuất quy mô lớn là thuận lợi trong áp dụng máy móc hiện đại, giảm chi phí đầu vào cũng như giải phóng sức lao động. Tuy nhiên với những cá nhân trực tiếp thực hiện tích tụ như ông Nghị vừa thiếu nguồn vốn vừa khó tiếp cận chính sách tín dụng và các chính sách hỗ trợ máy móc của nhà nước.
Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật đất đai tạo điều kiện cho việc tích tụ, tập trung đất đai. Cụ thể theo Điều 129, Điều 130 Luật đất đai năm 2013 quy định hạn mức diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Do vậy, khó khăn cho các hộ có nhu cầu nhận chuyển nhượng với diện tích lớn hơn 20 ha.
Ngoài ra, các điều kiện nhận chuyển đổi, điều kiện nhận chuyển nhượng còn khá phức tạp. Các vướng mắc này vô hình chung cản trở những cá nhân, tổ chức có nhu cầu diện tích lớn, phục vụ sản xuất quy mô lớn trên địa bàn.