Giá xoài rẻ, sức tiêu thụ chậm. |
Gần đây, nhà vườn trồng xoài lại tiếp tục gặp khó về đầu ra, giá thấp. Không chỉ vậy năng suất xoài năm nay cũng giảm hơn so các năm trước; chi phí phân bón, thuốc BVTV còn ở mức cao nên mùa xoài năm nay, nhiều nhà vườn thất thu, thua lỗ.
Đụng hàng, dội chợ
Hiện nay, xoài được trồng rải vụ quanh năm, rộ nhất vào tháng 4 và 5. Do đây là thời điểm chính vụ nên sản lượng xoài nhiều. Trong khi đó, hơn 1 tháng nay, giá xoài giảm mạnh. Theo các nhà vườn, với mức giá xoài thấp như hiện nay, tiền bán xoài không đủ chi phí cho các khoản chi phí phân bón, thuốc phun xịt, thuê nhân công hái xoài…
Rớt giá sâu nhất là xoài Đài Loan, tại vườn chỉ còn 2.000-4.000 đ/kg, thậm chí có thời điểm 1.000-1.500 đ/kg nhưng vẫn không có thương lái đến mua. Nhiều nông dân trồng xoài Đài Loan cho hay, với giá này “cầm chắc lỗ”.
Nhiều người hái xoài bán lẻ nhưng cũng không thu được bao nhiêu. Anh Nguyễn Văn Phụng (xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm), cho biết: “Nhà tôi có 2 công xoài Đài Loan, mỗi năm chỉ xử lý 1 vụ, trước đây bán được 10.000 đ/kg, với năng suất từ 3-4 tấn/công, còn hiện nay giá xoài quá thấp, thương lái bỏ cọc, không chịu mua. Năm trước giá xoài rẻ, nhiều người nản đã đốn bỏ. Năm nay tôi ráng cầm cự cho ra trái nhưng giá vẫn thấp”.
Không chỉ riêng xoài Đài Loan, xoài cát núm, cát chu, cát Hòa Lộc vào vụ cũng rẻ bất ngờ. Anh Nguyễn Văn Trúc Linh- Giám đốc HTX Xoài cát Quới Thiện (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm), cho biết: “Xoài đang vụ thuận, không xử lý cây cũng ra hoa đậu trái, thu hoạch kéo dài từ tháng 3-5. Do đó, sản lượng xoài nhiều, cộng thêm “đụng hàng” với các loại trái cây khác nên “dội chợ”.
Nếu như xoài cát chu đầu vụ có giá từ 15.000-20.000 đ/kg thì hiện nay chỉ còn khoảng 5.000-6.000 đ/kg, nhưng cũng ít có thương lái đến mua. Vụ này tuy chi phí không nhiều như vụ nghịch, nhưng do giá phân thuốc còn ở mức cao, cộng thêm phí nhân công tăng nên nông dân không có lời, thậm chí thua lỗ”.
Tại một số chợ, nhiều tiểu thương cũng cho hay, xoài bán khá chậm, giá rẻ, dù chất lượng ngon, mẫu mã đẹp. Cô Lê Thị Hồng- tiểu thương chợ Phước Thọ (Phường 8, TP Vĩnh Long), cho biết: “Xoài chính vụ thơm ngon, giá rẻ nhưng do sức mua không cao nên hàng nhiều. Xoài cát chu khi còn tươi thì có giá 25.000-30.000 đ/kg nhưng qua một vài ngày giá sẽ giảm dần, chỉ còn 10.000-20.000 đ/kg. Tôi cũng giảm giá mạnh để bán hết hàng nhanh nhất có thể nếu không xoài hư, ôm lỗ”.
Cần có biện pháp phát triển bền vững
Theo ngành chức năng, thời gian qua, nhà vườn trồng xoài ngày càng có kinh nghiệm sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, rải vụ, dần chuyển đổi nhận thức và tăng sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất và thực hiện bao trái, đã giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Đồng thời, trồng đa dạng giống xoài đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, trong sản xuất xoài tại nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Nông dân còn thiếu thông tin về thị trường và sản xuất đạt chứng nhận còn khiêm tốn, các khâu bảo quản và chế biến sản phẩm cũng còn yếu, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các bên, giá cả đầu ra sản phẩm chưa ổn định…
Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Toàn huyện có khoảng 1.100ha xoài. Hiện giá xoài giảm mạnh, trong đó rẻ nhất là xoài Đài Loan, chỉ từ 1.000-3.000 đ/kg, nguyên nhân giảm là do thị trường tiêu thụ chậm, nguồn cung nhiều.
Để xoài bán có giá cao, bà con trồng xoài cần nhân rộng mô hình canh tác xoài rải vụ; tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết hợp tác, khắc phục tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng chăm sóc cây sau thu hoạch, không nên vì giá rẻ mà bỏ lơi cây, cần cập nhật tình hình thời tiết, có biện pháp quản lý dịch hại, bón phân phù hợp để phục hồi cây.
Cần có giải pháp phát triển bền vững ngành hàng xoài. |
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, để phát triển bền vững ngành hàng trái cây, trong đó có xoài, nhà vườn cần áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để gia tăng năng suất, giảm một số chi phí không cần thiết như bón phân cân đối, đúng kỹ thuật, hạn chế phun thuốc trừ sâu lúc chưa cần thiết, làm sao có được sản lượng trái cây nhiều nhất với chi phí bỏ ra thấp nhất. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng trái cây, quan trọng là phải tổ chức lại sản xuất, liên kết “bốn nhà” trong việc trồng, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT
Hiện nay, nhu cầu trái cây nhiệt đới ở các nước trên thế giới rất lớn, đòi hỏi cần phải phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng công nghệ cao và phải có sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Từ đó, có những quy hoạch cụ thể về các công trình hạ tầng, tầm nhìn chiến lược, phục vụ cho toàn vùng để có sự hợp tác và chia sẻ lẫn nhau, đảm bảo cùng có lợi và tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
|
Bài, ảnh: TRÀ MY