Phát triển điện gió ở miền Bắc
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo tờ trình, trong các năm 2020-2021, nguồn năng lượng tái tạo Việt Nam phát triển mạnh, song phần lớn tập trung tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trong khi đó, khu vực Bắc Bộ phát triển chủ yếu là thủy điện, nhiệt điện với nhiều dự án chậm tiến độ so với quy hoạch. Điều này gây nên những khó khăn, thách thức trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, đặc biệt ở khu vực phía Bắc.
Theo Quy hoạch điện VIII, điện thương phẩm Bắc Bộ được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao khoảng 8,8%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Để tránh nguy cơ thiếu điện, đặc biệt vào cao điểm nắng nóng tại Bắc Bộ, tờ trình của Bộ Công Thương khẳng định “cần thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực này, song song với giải pháp đảm bảo tiến độ các nguồn điện lớn đã được được phê duyệt quy hoạch”.
Trên cơ sở tiềm năng gió, mặt trời và mục tiêu phát triển cân đối nguồn – tải nội miền, hạn chế truyền tải xa, Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển thêm nguồn năng lượng tái tạo tại Bắc Bộ trong giai đoạn tới năm 2030.
Để gỡ mối lo thiếu điện ở miền Bắc, Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trong giai đoạn tới năm 2030 như sau: Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo tại Bắc Bộ tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình. Trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận.
Trung tâm này có quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 500 MW. Các nhà máy chế tạo thiết bị phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, dịch vụ cảng biển, hậu cần phục vụ xây lắp, vận hành, bảo dưỡng. Các khu công nghiệp xanh, phát thải các bon thấp…
Nhanh chóng hoàn thành đường dây 500 kV
Việc phát triển đường dây để truyền tải điện cũng là một trong những giải pháp rất quan trọng để gỡ nỗi lo thiếu điện ở miền Bắc. Trong đó, dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối có tổng mức đầu tư 23.000 tỉ đồng, đang được tập trung triển khai với kỳ vọng giải “cơn khát” điện cho miền Bắc trong nhiều năm tới.
Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối gồm 4 dự án thành phần: Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu dài 225 km; dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa dài 92 km; dự án Đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Nam Định I – Phố Nối dài 124 km; dự án Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I – Thanh Hóa dài 74,4 km. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành đóng điện vào tháng 6.2024.
GS. VS. TSKH Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam – nhấn mạnh, việc đầu tư dự án này là vô cùng cần thiết nhằm tăng cường sản lượng điện từ miền Trung ra miền Bắc, góp phần mở rộng hệ thống điện cho khu vực phía Bắc.
Đặc biệt, trong tháng 5 và tháng 6.2023, miền Bắc chưa đáp ứng được toàn bộ công suất đỉnh yêu cầu, dẫn tới tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, các dự báo gần đây cho thấy, nhu cầu điện cho phát triển thời gian tới tiếp tục tăng cao, nguy cơ miền Bắc thiếu điện ở một số thời điểm mùa khô năm 2024 cũng như năm 2025 vẫn có thể xảy ra.
“Việc đầu tư hệ thống này còn giúp truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện quốc gia, giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu”, ông Long cho hay.