Dù khó khăn, ba tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long cố gắng cân đối nguồn cát cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đúng tiến độ 35% trong năm 2023.
Động thái được các tỉnh gấp rút thực hiện sau khi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu ưu tiên bố trí cát cho cao tốc huyết mạch miền Tây. Vĩnh Long được đề nghị bố trí khoảng 5 triệu m3 cát, hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang, mỗi địa phương cung ứng chừng 7 triệu m3 để thi công cao tốc. Trước mắt ba tỉnh có trữ lượng cát nhiều nhất miền Tây cung cấp 9,1 triệu m3 cát để tuyến đảm bảo tiến độ năm nay.
Theo Ban quản lý Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), thiếu cát đắp nền là nguyên nhân chính khiến dự án chậm trễ. Đến giữa tháng 5, hai dự án thành phần của tuyến Cần Thơ – Hậu Giang tiến độ 2,5% (chậm 3,3% so với dự tính), Hậu Giang – Cà Mau đạt 2,9% (chậm 1,5% so với kế hoạch).
Làm việc với tỉnh Đồng Tháp hôm 2/6, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết bộ đang rất sốt ruột trước tình trạng thiếu cát đắp nền cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Hiện, nhiều đoạn dự án đã được bóc lớp hữu cơ, trải vải địa kỹ thuật nhưng thiếu cát đắp nền, nhiều công đoạn bị ngưng trệ.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho phép giảm một số bước để các mỏ cát sớm đưa vào khai thác. Tuy nhiên với thủ tục mà tỉnh Đồng Tháp dự thảo, để thực hiện khai thác cát, cơ quan chức năng mất khoảng 100 ngày, tức là hơn ba tháng nữa mới có vật liệu.
Trước sự lúng túng của địa phương triển khai thủ tục để đưa mỏ cát vào khai thác, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị tỉnh thực hiện theo Nghị quyết 133 của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Việc này nhằm nâng 50% công suất các mỏ đang khai thác, đáp ứng tiến độ của dự án cao tốc tuyến Bắc Nam ở miền Tây.
Đối với các mỏ đã tạm dừng và hết hạn, địa phương rà soát, phân loại để giao cho nhà thầu của dự án hoặc cấp phép lại cho đơn vị cũ khai thác trữ lượng còn lại với điều kiện phải cung cấp cho dự án giao thông trọng điểm. Với những mỏ mới, địa phương thực hiện thủ tục xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, hiện địa phương có 14 giấy phép khai thác cát gia hạn đến ngày 30/6 với trữ lượng khoảng 25 triệu m3. Vừa qua, tỉnh tăng 50% công suất khu mỏ 2A, 2B và giới thiệu hai mỏ mới trên sông Tiền (huyện Châu Thành) và sông Hậu (huyện Lai Vung), với tổng trữ lượng 1,9 triệu m3, cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Chỉ tiêu 5,1 triệu m3 cát còn lại, địa phương đang rà soát một số mỏ để có nguồn cung ứng.
Tỉnh An Giang hiện có 10 công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại 15 khu vực mỏ với diện tích gần 950 ha, công suất hơn 9,6 triệu m3 mỗi năm, tổng trữ lượng hơn 36 triệu m3. Ngoài ra địa phương có ba dự án nạo vét thông luồng, chỉnh trị dòng chảy có thu hồi khoáng sản với hơn 4,3 triệu m3 cát.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Nguyễn Việt Trí cho biết ngoài 7 triệu m3 cát mà Chính phủ giao cấp cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, địa phương còn phải cung ứng hơn 27 triệu m3 cát cho các công trình khác. Cụ thể, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cần 9 triệu m3 cát, tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên cần 1,4 triệu m3, quốc lộ 91C, tuyến N1 Tân Châu – Châu Đốc là 2 triệu m3. 11 tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông thôn, công trình ở địa phương đang được đầu tư cần khoảng 14 triệu m3 cát.
Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Thanh Bình nói dù khó khăn, địa phương cố gắng cân đối, đảm bảo nguồn cung cấp cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. “Mọi hoạt động cấp phép, tổ chức khai thác, giám sát… đều phải tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo an toàn cho người dân”, người đứng đầu chính quyền tỉnh An Giang nói.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Vĩnh Long Nguyễn Văn Hiếu cho biết tỉnh đang khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan để hỗ trợ các nhà thầu, doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục sớm khai thác nguồn cát (đã được quy hoạch) phục vụ san lấp tuyến cao tốc.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), tại miền Tây ngoài các mỏ cát đang khai thác, tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch hơn 215 triệu m3. Trong số này, tỉnh An Giang trên 54 triệu m3; Đồng Tháp gần 34 triệu m3, Vĩnh Long hơn 42 triệu m3…
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau khởi công ngày 1/1, dự kiến hoàn thành năm 2026. Dự án khi hoạt động sẽ kết nối nhiều tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn một, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, rộng 17 m, 4 làn, chia làm hai dự án thành phần: Cần Thơ – Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư 9.700 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 72,8 km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.
An Bình