Đây là bài phát biểu thứ 4 của nhà lãnh đạo Mỹ. Bài phát biểu đầu tiên được đưa ra vào cuối tháng 4/2021, 3 tháng sau khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng. Thực ra đây không phải là một bài diễn văn chính thức thuộc Thông điệp Liên bang – thường tóm tắt những việc làm được trong một năm và công bố các kế hoạch cho tương lai. Tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đọc Thông điệp Liên bang đầy đủ đầu tiên của mình vào tháng 3/2022.
Bài phát biểu Thông điệp Liên bang năm nay có thể là cơ hội tốt nhất trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 để ông Biden nói với người Mỹ một cách chi tiết về các thành tích đạt được trong thời gian ông cầm quyền và những gì ông sẽ làm nếu đắc cử nhiệm kỳ 2.
Về mặt kỹ thuật, đây không phải là một bài phát biểu tranh cử, nhưng đối với các Tổng thống Mỹ vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên, bài phát biểu thường niên này tượng trưng cho sự khởi đầu cho nỗ lực tái tranh cử của họ.
Phát biểu trước các nhà lập pháp của cả hai viện, ông Biden đã ca ngợi những thành tựu kinh tế của mình. Theo nhiều số liệu, nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ. Thị trường việc làm mạnh mẽ, người tiêu dùng chi tiêu trở lại và lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn phải liên tục hỏi các cố vấn của mình: Tại sao có quá nhiều người Mỹ vẫn không cảm thấy hài lòng về nền kinh tế?
Sự khác biệt giữa dữ liệu kinh tế tích cực và cảm nhận trên thực tế của người dân về nền kinh tế có thể ảnh hưởng lớn đến triển vọng chính trị của ông Biden, khi các cố vấn Nhà Trắng và quan chức chiến dịch thừa nhận rằng cảm nhận của người Mỹ về nền kinh tế có thể mang tính quyết định trong việc xác định liệu Tổng thống có thể giành được nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 hay không.
Một cuộc khảo sát từ Đại học Michigan công bố vào đầu tháng 2 cho thấy triển vọng của người tiêu dùng đã tăng 13% trong tháng 1, đạt mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2021. Vài ngày trước đó, niềm tin của người tiêu dùng được Conference Board đo lường đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm.
Tuy nhiên, ông Biden phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trên mặt trận kinh tế khi gần như chắc chắn chiến dịch tái tranh cử của ông phải chuẩn bị cho cuộc tái đấu với cựu Tổng thống Donald Trump.
Đa số người Mỹ – 55% – cho biết trong cuộc thăm dò gần đây của CNN rằng, họ tin rằng các chính sách của Chính quyền Biden đã khiến điều kiện kinh tế trong nước trở nên tồi tệ hơn, trong khi chỉ 26% tin rằng các chính sách của ông đã cải thiện mặt này.
Trở lại với bài phát biểu Thông điệp Liên bang, ngay trong phần đầu Tổng thống Biden đã chỉ trích những bình luận trước đây của ông Trump về khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào không đáp ứng các hướng dẫn chi tiêu cho quốc phòng.
“Tôi nghĩ điều đó thật thái quá, nguy hiểm và không thể chấp nhận được”, ông Biden nói về bình luận của ông Trump. Ông Biden không nhắc đích danh ông Trump mà gọi ông là “người tiền nhiệm của tôi, một cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa”.
Trong thông điệp gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Biden cho biết lời nhắn nhủ của ông rất đơn giản: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ. Chúng tôi sẽ không cúi đầu”, ông Biden nói trong tiếng vỗ tay vang dội. “Tôi sẽ không cúi đầu”.
Tổng thống Biden cũng tăng cường kêu gọi Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nói rằng tự do và dân chủ đang bị tấn công “cả trong và ngoài nước”.
Ông cho biết mục đích của bài diễn văn Thông điệp Liên bang là để “đánh thức Quốc hội và cảnh báo người dân Mỹ” rằng nền dân chủ đang bị đe dọa. Ông nói: “Nếu bất kỳ ai trong phòng này nghĩ rằng ông Putin sẽ dừng lại ở Ukraine, tôi đảm bảo với người đó rằng ông ấy sẽ không dừng lại”.
Ông Biden nhắc lại rằng Ukraine đang yêu cầu hỗ trợ quân sự và vũ khí, chứ không phải lính Mỹ, để giúp chống lại Nga. Ông nói: “Họ không yêu cầu lính Mỹ. Trên thực tế, không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine. Và tôi quyết tâm giữ nguyên tình hình như vậy”.
Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào giờ vàng của mình, Tổng thống Biden cũng nói về cuộc chiến Israel-Hamas đang diễn ra ở Dải Gaza, một chủ đề đã tiêu tốn phần lớn thời gian và sự chú ý của Tổng thống Mỹ trong vài tháng qua.
Minh Đức (Theo CNN, NY Times, TASS)