Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018), môn Ngữ văn sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK) cho cả phần đọc hiểu và phần viết (làm văn) khi kiểm tra định kỳ. Nội dung này đặt ra yêu cầu cả giáo viên và học sinh phải đọc nhiều hơn.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn chia sẻ, điểm mới của môn Ngữ văn là thay đổi cách tiếp cận. Trước đây, SGK chạy theo nội dung, theo thể loại, hết dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại. Tuy nhiên, sách mới tổ chức sách theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được.
Triển khai chương trình GDPT mới, mỗi bộ SGK có một cách biên soạn khác nhau theo quan điểm của tác giả. Tuy vậy, giáo viên muốn dạy tốt thì căn cứ vào chương trình và SGK để biên soạn lại giáo án sao cho phù hợp với đối tượng học sinh. Nếu giáo viên phụ thuộc vào một bộ SGK nào đó để dạy học thì khó thành công. Vì lẽ đó, theo các chuyên gia việc đọc và tự học để mở mang kho ngữ liệu ngoài SGK là điều cần thiết để môn Ngữ văn đạt mục tiêu hướng tới.
Các giáo viên dạy Ngữ văn cho hay, thực tế giảng dạy cho thấy khối lượng kiến thức ở SGK không thể đáp ứng đủ nhu cầu, định hướng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Muốn chất lượng giảng dạy được nâng cao, người học được phát triển toàn diện thì bản thân giáo viên phải tự cập nhật thêm kiến thức bên ngoài. Đơn cử như đối với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, ở những câu hỏi mở, nếu giáo viên không chủ động đọc thêm và cập nhật kiến thức liên quan thì sẽ không thể giải thích một cách chi tiết, cặn kẽ các nội dung đó cho người học. Ưu điểm của việc lấy ngữ liệu ngoài SGK là đã phần nào hạn chế được bài mẫu, văn mẫu nhằm phát huy phẩm chất năng lực của học trò, nhưng đòi hỏi rất cao từ người ra đề. Nếu giáo viên không có sự đầu tư nghiêm túc, thường xuyên sẽ rất khó khăn mỗi khi ra đề kiểm tra và từ đây dẫn đến những vất vả không chỉ người ra đề mà ngay cả người duyệt đề.
Cùng với đó, ở phía học sinh thì yêu cầu đặt ra là phải tích cực đọc sách, báo để mở mang kiến thức và ngữ liệu. Theo chia sẻ của cô Trần Thanh Mai – giáo viên dạy Ngữ văn Trường THCS Chu Văn An, (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Ngữ văn là môn học có thay đổi mạnh mẽ nhất trong chương trình GDPT mới, đó là học sinh được học và thi với những ngữ liệu hoàn toàn khác nhau. Trước đây, học sinh chỉ cần hiểu kiến thức, hiểu nhân vật là làm được bài nhưng giờ phải hiểu mỗi thể loại được khai thác dưới góc nhìn như thế nào mới có thể viết bài văn tốt. Chương trình cũ, các kiến thức trong tác phẩm học sinh đã được học và ôn đi ôn lại còn chương trình mới thì học sinh phải nắm được tư duy và cách làm. Giờ đây, triển khai chương trình GDPT mới, nhiệm vụ của giáo viên trong quá trình dạy là làm sao để học sinh yêu thích môn văn, tránh nói nhiều, dạy ôm đồm mà phải bám sát yêu cầu của chương trình. Thầy cô chủ yếu tập trung vào hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, dạy học sinh viết văn; tư duy cấu trúc bài văn, tư duy hành văn, lập ý tưởng dàn ý và nắm chắc kỹ năng, cách viết để không còn tình trạng văn mẫu hay học thuộc.
Ghi nhận cho thấy, văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc tại các trường học chưa thật sự được đẩy mạnh. Lý do là vì đa phần học sinh được tiếp cận mạng xã hội từ sớm nên cơ hội tiếp cận của các em đối với sách chưa nhiều. Và hơn hết, phong trào đọc sách tại các nhà trường vẫn chưa được thực hiện tốt, nhà trường vẫn chưa tìm được giải pháp để kích thích sự hứng thú của học sinh đối với việc đọc. Điều này cũng không có gì khó hiểu, khi các thống kê xã hội học đã chỉ ra, người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm và thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng 1 giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Cô Thanh Nhã – giáo viên Trường THCS Văn Giang (Hưng Yên) cho rằng, đối với học sinh đọc sách là hoạt động không thể thiếu để phát triển năng lực, phẩm chất và tri thức. Thậm chí, ngay cả khi không đổi mới chương trình thì việc đọc sách vẫn luôn là hoạt động cần thiết, nên được duy trì và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Đọc sách là cách dễ dàng nhất để chúng ta dung nạp thêm kiến thức. Duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày sẽ giúp bản thân trau dồi một lượng tri thức lớn. Vì thế, đọc sách trong môi trường học đường cần được nuôi dưỡng thành một thói quen và sự đam mê chứ không đơn thuần là những lễ phát động.
Nguồn: https://daidoanket.vn/doc-sach-de-lam-van-theo-huong-mo-10295076.html