Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, không chỉ khiến việc học của các em nhỏ bấp bênh mà nhiều giáo viên cũng không còn mấy mặn mà với sự nghiệp “gieo chữ” trên non. Và thực tế buồn đã diễn ra khi có huyện vùng cao không tuyển đủ chỉ tiêu giáo viên, thậm chí nhiều giáo viên phải ngậm ngùi thôi việc.
Một giờ học ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Giao Thiện (Lang Chánh). Ảnh: Đỗ Đức
Xót cảnh giáo viên xin thôi việc
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm mầm non, qua nhiều năm cống hiến, cô giáo Lương Thị Thảo (SN 1992) được tuyển dụng viên chức vào Trường Mầm non Tân Phúc (Lang Chánh) từ giữa năm 2020. Từ đó, cuộc sống của chị đã vơi bớt nỗi khó khăn, vất vả vì ngoài lương viên chức, phụ cấp đứng lớp, chị còn được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức công tác ở vùng đặc biệt khó khăn với mức hưởng gần 8 triệu đồng/tháng. Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 861 – PV) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 612 – PV) có hiệu lực, Tân Phúc không còn là xã đặc biệt khó khăn (chỉ còn 2 thôn đặc biệt khó khăn).
Đồng nghĩa, chế độ ưu đãi cho chị Thảo và giáo viên trong trường không còn, bằng với mức hưởng của cô giáo mầm non ở khu vực đồng bằng có cùng thời gian công tác. Cảnh mẹ đơn thân, bên nách 2 đứa con, mức tiền lương hơn 4 triệu đồng/tháng chẳng thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nên tháng 9-2022 chị viết đơn xin thôi việc khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ 5 năm để đi… xuất khẩu lao động.
Qua mạng xã hội zalo, từ Nhật Bản chị Thảo cho biết: “Dù biết nghỉ sẽ không được hưởng chế độ 1 lần, xong em không còn sự lựa chọn nào khác. Tiền lương hàng tháng không đủ để em nuôi con ăn học, chứ chưa nói đến những lúc ốm đau. Trong khi đó, việc nuôi dạy trẻ ở trường của các cô giáo mầm non rất vất vả, nhiều hôm ở lớp về, em còn phải thức khuya làm đồ dùng học tập cho các cháu. Tiếc lắm, nghề giáo vốn là ước mơ của em từ nhỏ, nhưng không thể khác được”.
Một trường hợp khác, chị Phạm Thị Nam là nhân viên kế toán của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Giao Thiện (Lang Chánh) cũng xin thôi việc từ tháng 12-2022, vì lý do thu nhập không đảm bảo. Chị Nam cũng một mình nuôi con nhỏ, do chồng mất sớm. Ngày còn trong biên chế, mỗi ngày, chị vẫn thường vượt quãng đường gần 20 cây số từ nhà ở thị trấn Lang Chánh đến trường. Dù công việc có nhiều khó khăn, đường đến cơ quan lắm đèo nhiều dốc nhưng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đặc biệt khó khăn nên chị vẫn miệt mài với công việc. Nhưng từ tháng 6-2021, Giao Thiện không còn là xã đặc biệt khó khăn, phụ cấp bị cắt giảm, tâm huyết và lòng nhiệt tình với công việc trong chị giảm dần.
Chị Nam bộc bạch: “Lúc viết đơn xin thôi việc em cũng dao động, bởi nhiều người khuyên can. Nhưng thú thực, công việc yêu cầu mỗi lúc càng cao khiến em nhiều lần bị stress, trong khi thu nhập bị giảm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng so với trước tháng 6-2021. Mức lương được hưởng còn hơn 5 triệu đồng/tháng, không thể đảm bảo cuộc sống của hai mẹ con, nên em quyết định thôi việc, về làm việc với người thân trong gia đình”.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lang Chánh, chỉ riêng năm học 2022-2023, trên địa bàn huyện đã có 14 giáo viên, nhân viên thôi việc, gồm 9 giáo viên và 5 nhân viên. Tháng 3-2023, trong đợt tuyển dụng giáo viên tiểu học với 44 chỉ tiêu, song kết quả, huyện chỉ tuyển được 9 giáo viên.
Không còn được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, sự nghiệp “gieo chữ” của giáo viên mầm non công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn. Ảnh chụp tại Trường Mầm non Phú Sơn (Quan Hóa).
Ở huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2020, toàn bộ số xã trên địa bàn đều thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021-2025, huyện còn 2 xã (Na Mèo, Sơn Thủy) và 9 bản đặc biệt khó khăn. Kéo theo đó, nhiều giáo viên, nhân viên ở các trường học không còn được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong khi điều kiện làm việc không khác trước là bao. Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, cho biết: “Tháng 1-2023, huyện Quan Sơn tổ chức tuyển dụng 45 chỉ tiêu giáo viên tiểu học, nhưng kết quả chỉ được 15 giáo viên. Nguyên nhân trực tiếp là không đủ hồ sơ dự tuyển. Trong khi đó, năm 2022, trên địa bàn có 15 giáo viên ở cả 3 cấp học xin chuyển ra khỏi huyện công tác. Tình trạng này vẫn đang diễn ra, gây khó khăn cho huyện trong công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các trường học”.
Giai đoạn 2016-2020, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện Quan Hóa thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đến nay, huyện không còn xã đặc biệt khó khăn, chỉ còn 36 thôn, bản thuộc diện khó khăn, khiến nhiều học sinh, giáo viên không còn được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Theo Phòng GD&ĐT huyện, tính từ 1-7-2022 đến 30-4-2023, ở 3 cấp học của huyện đã có 11 giáo viên trong biên chế thôi việc, gồm 7 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên THCS và 3 giáo viên mầm non. Phần nhiều trong số họ có tuổi đời dưới 35 và hầu hết có trình độ đại học.
Khi thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống
Xét trên bình diện chung, ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, không chỉ riêng thu nhập của cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học bị cắt giảm mà có cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang. Theo Nghị định số 76/NĐ-CP, ngày 8-10-2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định 76 – PV), thì cán bộ, giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn được hưởng thêm các phụ cấp: thu hút, ưu đãi nghề, phụ cấp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, phụ cấp thu hút được tính bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm (60 tháng). Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Phụ cấp lâu năm được hưởng hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn với 3 mức: 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm và mức 1 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.
Khi địa bàn công tác không còn là xã đặc biệt khó khăn, đồng nghĩa những phụ cấp kia cũng bị cắt giảm. Trong lúc đời sống còn khó khăn, sự sụt giảm về thu nhập khiến giáo viên là những người dễ bị tác động nhất. Vậy nên, nhiều nhà giáo xin thôi việc, hoặc chuyển công tác về miền xuôi và tình trạng nhiều huyện không tuyển đủ chỉ tiêu biên chế giáo dục, hay khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lên công tác, gắn bó lâu dài.
Trong khi con người là nhân tố quan trọng hàng đầu, công tác cán bộ là then chốt, việc thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ không chỉ gây áp lực cho riêng sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Bài và ảnh: Đỗ Đức
Bài 3: Ngổn ngang câu chuyện bảo hiểm y tế.