Hôm 12.10, nhóm nghiên cứu cà phê thủy nướng đã giành giải thưởng 20 triệu đồng tại cuộc thi Bach Khoa Innovation, một sân chơi sáng tạo khoa học dành cho học sinh, sinh viên. Phương pháp thủy nướng được ban giám khảo đánh giá cao về tính đột phá và tiềm năng cải thiện chất lượng cà phê Việt Nam.
Chia sẻ về thành tích trên, Nguyễn Trọng Bảo, sinh viên ngành môi trường, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về dự án AFTER 1224 (dự án về cà phê thủy nướng của nhóm), đạt giải nhì tại cuộc thi này là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục phát triển dự án. Mục tiêu của chúng tôi là đưa cà phê thủy nướng trở thành dấu ấn của Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Cà phê thủy nướng thơm hương và đậm vị hơn
Đó là nhận xét chung của ban giám khảo và sinh viên sau khi nếm thử cà phê thủy nướng. Lê Thúy Vy, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết cô ấn tượng với hương thơm đặc trưng của ly cà phê, hòa quyện mùi mật ong và socola. “Màu sắc và hương vị rất khác biệt, thay vì màu đen quen thuộc, ly cà phê có màu nâu đậm, vị đắng nhẹ, ngọt sâu và để lại hậu vị đậm đà”, nữ sinh nhận xét.
Lựa chọn hạt cà phê Robusta từ Đắk Lắk, sau 8 tháng nghiên cứu, nhóm tìm ra phương pháp thủy nướng bằng cách cho cà phê vào bình thủy nhiệt và nướng ở nhiệt độ 120 – 220 độ C, sau 30 – 120 phút sẽ thu được sản phẩm. “Hạt cà phê khi được chiết xuất trong nước dưới áp suất và nhiệt độ cao có thể giữ lại hầu hết những dưỡng chất tinh túy, có lợi cho sức khỏe”, Trọng Bảo lý giải.
Theo đó, khi rang cà phê theo cách truyền thống, hạt cà phê tiếp xúc với thành chảo, gây ra hiện tượng quá nhiệt cục bộ và làm mất một số hương tự nhiên. Ngược lại, phương pháp thủy nướng sử dụng nước để chế biến cà phê ở nhiệt độ cao trong không gian kín, tạo ra áp suất lớn, giúp bảo toàn hương vị cà phê.
Hứa hẹn tạo nên cuộc “cách mạng” cà phê Việt Nam
PGS-TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng phòng thí nghiệm nhiên liệu sinh học và Biomass, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định phương pháp thủy nướng có thể mang đến cho ngành cà phê Việt Nam giá trị gia tăng khác biệt, khiến Việt Nam không dừng lại là một nước xuất khẩu cà phê thô.
“Người Ý có Milano và Espresso, người Pháp có Moca, người Mỹ có Americano, họ nổi tiếng với công nghệ chế biến chứ không phải vì trồng cà phê. Việt Nam đang có lợi thế về trồng trọt và chỉ cần thêm một bước đột phá về công nghệ, chúng ta có thể tự hào giới thiệu một hương vị cà phê mới đến thế giới”, PGS-TS Nguyễn Đình Quân so sánh.
“Công nghệ thủy nướng dự báo xu hướng mới trong ngành chế biến cà phê”, PGS-TS Quân khẳng định. Theo PGS-TS Quân, cách làm này tạo ra cà phê có hàm lượng acid chlorogenic cao, chất dinh dưỡng hỗ trợ đốt cháy mỡ thừa, giảm mỡ máu và chống ung thư. Đồng thời, lượng caffein chiết xuất cao hơn 4,5 lần so với cà phê rang xay thông thường, tăng cường sự tỉnh táo.
“Những người yêu cà phê luôn tìm kiếm hương vị mới, đó là lý do chúng ta có cold brew, latte hay cà phê muối. Trong tương lai, sẽ có một ‘vũ trụ mới’ là cà phê thủy nướng với hương vị hoàn toàn mới lạ và độc đáo”, ông Quân cũng nhận định.
Nhóm hiện đang xem xét đề xuất hợp tác từ các đối tác tiềm năng, ưu tiên những đối tác có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong ngành cà phê và có chung tầm nhìn về sự phát triển bền vững cho cà phê thủy nướng. Đồng thời, nhóm đã đăng ký bảo hộ phương pháp thủy nướng với Cục sở hữu trí tuệ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-la-ca-phe-thuy-nuong-cua-sinh-vien-bach-khoa-18524101317294257.htm