Anh Đoàn Rô Mel đã nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm độc đáo từ cây thốt nốt
Sáng tạo với thốt nốt
Nếu như trước đây, người ta biết đến các sản phẩm từ cây thốt nốt, như: Đường thốt nốt, nước thốt nốt, trái thốt nốt, bánh bò thốt nốt… thì nay, cơ sở của anh Đoàn Rô Mel còn cho thêm nhiều sản phẩm từ cây thân thốt nốt, như: Đũa, lộc bình, gạt tàn thuốc, đặc biệt nhất là vỏ đựng ấm trà bằng gỗ thốt nốt.
Anh Đoàn Rô Mel bắt đầu sản xuất những vật dụng bằng gỗ thốt nốt cách đây 10 năm. Gia đình vốn có nghề sản xuất đường thốt nốt uy tín, trong những lần tham dự hội chợ triển lãm, thấy tỉnh Bến Tre có nhiều sản phẩm độc đáo từ cây dừa, nảy ra ý tưởng sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây thốt nốt sẵn có tại địa phương. Khởi đầu từ việc làm đũa, dần dần mới nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm vỏ đựng ấm trà, cặp lộc bình…
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Không từ bỏ, anh Rô Mel tự mày mò, cải tiến để hoàn thiện sản phẩm. Anh cho biết, để làm ra những sản phẩm chất lượng thì việc chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Cây thốt nốt phải có tuổi đời từ 70 năm trở lên, đã phát triển quá cao nên khó lấy nước hay thu hoạch trái. Đây còn là những cây già, lượng nước và năng suất trái không cao, người dân thường đốn bỏ hoặc không sử dụng nữa.
“Điều đặc biệt nhất là khi sử dụng thốt nốt ở tuổi này sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, thời gian sử dụng lâu, không bị mối, mọt; có mùi thơm nhẹ và màu đen huyền đặc trưng của gỗ thốt nốt” – anh Rô Mel chia sẻ.
Để làm ra những sản phẩm đồ gia dụng bằng gỗ thốt nốt phải trải qua nhiều công đoạn. Theo anh Rô Mel, đối với đũa phải qua ít nhất 8 công đoạn, như: Cắt, xẻ, rọc phôi, rọc thẻ, tề, phơi nắng, chuốt, làm bóng, lau bóng bằng dầu ăn… Còn đối với vỏ đựng ấm trà thì ít công đoạn hơn.
“Trước hết, phải chọn những cây thốt nốt có đường kính, độ cứng thích hợp, tiến hành cắt ra từng đoạn theo kích thước chuẩn. Những đoạn gỗ thốt nốt được đưa vào máy tiện thành hình dạng sản phẩm. Sau đó, tiến hành chạm khắc hoa văn, họa tiết theo yêu cầu của khách hàng. Sản phẩm cuối cùng được phủ 1 lớp sơn bóng để tăng tính thẩm mỹ” – anh Rô Mel chia sẻ.
Thị trường đón nhận
Trước đây, những sản phẩm vỏ đựng ấm trà của anh Đoàn Rô Mel được sản xuất chủ yếu bằng thủ công. Số lượng làm ra ít, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Được Sở Công Thương hỗ trợ, anh Rô Mel mạnh dạn đầu tư 2 máy tiện, khắc, phục vụ cho sản xuất. Kinh phí cho 2 chiếc máy khoảng 600 triệu đồng, trong đó gia đình anh đối ứng 50%. Từ khi trang bị máy, thời gian sản xuất rút ngắn, số lượng nhân công giảm rất nhiều, chất lượng sản phẩm đồng đều, tinh xảo…
“Trước đây, mỗi ngày chỉ sản xuất 2 sản phẩm. Từ khi trang bị máy tiện, khắc, mỗi ngày gia đình sản xuất 20 sản phẩm, năng suất tăng gấp 10 lần. Không chỉ vậy, thành phẩm còn đáp ứng tiêu chí hoa văn đẹp, tinh xảo nên được khách hàng ưa chuộng” – anh Rô Mel thông tin.
Hiện nay, các sản phẩm đũa thốt nốt, vỏ đựng ấm trà… của anh Đoàn Rô Mel được khách hàng khắp cả nước đón nhận. Riêng sản phẩm đũa thốt nốt đã đạt giải sản phẩm có tính đặc trưng văn hóa của tỉnh An Giang và nhiều giải ở các hội thi khu vực. Đũa chế tác từ gỗ tự nhiên, không hóa chất, không phẩm màu, an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt, giá cả sản phẩm bình dân, từ 20.000-25.000 đồng/chục (20 chiếc) nên phù hợp với đông đảo đối tượng khách hàng.
Vỏ đựng ấm trà cũng rất “cháy hàng”, sản phẩm “ra lò” bao nhiêu đều tiêu thụ hết. Họa tiết được ưa chuộng nhất là các loại tranh chữ: Phát tài, tài lộc, phú quý; các loại hoa văn long phụng, chữ thư pháp, câu thơ… Với giá bán từ 700.000-800.000 đồng/sản phẩm, mỗi tháng, anh Rô Mel cung ứng ra thị trường khoảng 200 sản phẩm.
“Sản phẩm tiêu thụ mạnh từ trước Tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng, sau đó tiêu thụ ổn định cho đến hết tháng 5 âm lịch. Do đó, những tháng còn lại, gia đình phải tập trung sản xuất để trữ hàng” – anh Rô Mel tâm sự.
Với sự ra đời của những sản phẩm gia dụng, thủ công mỹ nghệ từ thân cây thốt nốt, anh Đoàn Rô Mel góp phần làm đa dạng, phong phú thêm sản phẩm từ loại cây đặc trưng của địa phương. Việc phát triển các sản phẩm trên còn góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.