Bún Xiêm Lo
Vốn là món ăn quen thuộc, làm say lòng bao thực khách đến đất nước Campuchia, khi “du nhập” đến Việt Nam, bún Xiêm Lo đã trở thành món ăn độc đáo của người dân tại các địa phương giáp biên giới Campuchia như thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.
Hương vị lạ miệng của bún Xiêm Lo sau khi được biến tấu đã trở thành món ăn rất được người Việt Nam yêu thích
Bún Xiêm Lo là món ăn mang sự giao thoa của 2 nền ẩm thực Việt Nam – Campuchia. Tùy vào khẩu vị, mỗi địa phương sẽ có cách chế biến bún Xiêm Lo khác nhau nhưng vẫn không làm mất đi hương vị nguyên bản của món ăn. Nguyên liệu chính của món này hoàn toàn từ cá lóc, đặc biệt là cá lóc đồng thịt săn chắc, ngọt thanh.
Cá lóc sau khi được làm sạch, phần đầu và xương cá được tận dụng để hầm làm nước lèo, phần thân thì xay làm chả cá và được nặn thành từng viên nhỏ đem chiên hoặc nấu chung. Sợi bún cũng đặc biệt khi chọn bún sợi nhỏ, mềm, dai. Ngoài ra, bún Xiêm Lo còn được thêm đậu phộng, da heo luộc, rau kèo nèo ăn kèm.
Kèo nèo có thân gần giống với lục bình, là loại cây sống tại vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Vị của kèo nèo ngọt pha chút chát và đắng nhẹ, tạo thêm sự lạ miệng cho món ăn. Đặc biệt, nguyên liệu không thể thiếu để làm nên mùi vị đặc trưng món bún Xiêm Lo chính là nghệ tươi. Nghệ được băm nhuyễn để nấu nước lèo, giúp làm át đi mùi tanh của cá lóc.
Đến từ tỉnh Đồng Tháp, anh Nguyễn Văn Nhan chia sẻ: “Mỗi khi có dịp đi ngang thị xã Kiến Tường, tôi đều ghé ăn bún Xiêm Lo. Lần đầu ăn món này, tôi cảm nhận mùi vị khá lạ, hơi khó ăn nhưng ăn được rồi thì rất thích. Nước dùng ngọt thanh, thêm rau kèo nèo và cá xay nhuyễn giúp món ăn đậm đà”.
Bún Xiêm Lo không chỉ là món ăn của sự giao thoa văn hóa mà còn rất tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị đau dạ dày, tiểu đường, hen suyễn,…
Hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu Nam Vang là món ăn khá phổ biến ở Nam bộ. Tuy nhiên, ít ai biết món đặc sản này là sự kết tinh của 2 nền văn hóa ẩm thực Việt Nam và Campuchia. Món ăn này có nguồn gốc từ Phnom Penh, Vương quốc Campuchia. Cộng đồng người Hoa ở Nam Vang (tên phiên âm Hán Việt của Phnom Penh) chế biến lại, sau đó đưa món ăn này về Việt Nam. Về sau, hủ tiếu Nam Vang được thêm nhiều loại gia vị đậm đà hơn để phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt.
Hủ tiếu Nam Vang là món ăn có nguồn gốc từ Phnom Penh, Campuchia
Hẳn ai cũng từng thử qua món ăn này. Một tô hủ tiếu Nam Vang gồm nhiều nguyên liệu và phần nước lèo thơm ngon. Món này ở Nam Vang thì chỉ có thịt nạc heo và thịt bằm, rau ăn kèm chỉ gồm xà lách với giá. Còn tại Việt Nam, tùy ý thích, có nơi cho thêm vào tô hủ tíu tôm, cua, mực, lòng heo, trứng cút, hẹ, rau cần,… nhưng nhất thiết phải có thịt bằm.
Với hủ tiếu Nam Vang, nước lèo rất quan trọng và được chuẩn bị công phu nhất. Muốn nồi nước lèo trong và có vị ngọt thanh, người bán phải hầm xương ống chung với mực khô, tôm khô, khi hầm để lửa nhỏ và phải vớt bọt liên tục. Hủ tiếu Nam Vang ngon phải nấu bằng cọng hủ tíu nhỏ, mỏng nhưng dai và hơi trong.
Không giống như hủ tiếu Trung Hoa và hủ tiếu Mỹ Tho của Việt Nam, hủ tiếu Nam Vang có vị ngọt của nước lèo chính là thịt bằm khá đặc biệt, được rất nhiều người yêu thích.
Mắm bò hóc
Mắm bò hóc là một trong những loại gia vị đặc trưng của người dân Khmer ở Campuchia cũng như người Khmer ở Nam bộ Việt Nam thực hiện, góp phần tạo nên nét riêng biệt và độc đáo cho nền ẩm thực. Đây là loại mắm được làm từ nguyên liệu chính là cá nước ngọt, thường là cá linh hoặc cá lóc.
Mắm bò hóc là món ăn đặc trưng của đồng bào Khmer
Quy trình chế biến mắm bò hóc không khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn và phải có sự tỉ mỉ của người làm. Cá được rửa sạch, bỏ ruột, đánh vảy, giã nát rồi phơi thật khô. Sau đó, ướp cá với các loại gia vị như đường, tiêu, tỏi rồi dằn cho rỏ hết nước và xác cá tiếp tục được sấy tương đối khô, có thể cho thêm thính vào, tiếp tục trộn trước khi cho vào hũ. Các hũ này được ủ từ 4-6 tháng cho đến khi thành mắm là có thể dùng được. Qua bàn tay của người Khmer, một thứ nước mắm mang tên bò hóc độc đáo được ra đời.
Một món ăn khác cũng rất nổi tiếng mang đậm hương vị mắm bò hóc là bún nước lèo. Điểm đặc biệt là nước lèo của loại bún này luôn trong veo. Để có được điều đó đòi hỏi không ít công sức của đầu bếp. Đầu tiên, cho mắm bò hóc vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ, đun sôi, trong suốt quá trình nấu phải canh vớt hết bọt. Cá lóc đồng làm sạch, luộc, lóc lấy thịt. Xương cá cho vào cối giã chung với ngải bún và sả bằm, sau đó vắt lấy nước cho vào nồi nước lèo. Nêm gia vị vừa ăn là được. Từ mắm bò hóc, người dân nơi đây còn chế biến ra món bún nổi tiếng như bún mắm bò hóc.
Mắm bò hóc là món ăn đặc trưng của người Khmer, hầu như mỗi gia đình Khmer nào cũng có sẵn một vài hũ mắm dùng cho gia đình và đãi khách./.
Hà Lan