Làng Hương Canh xưa thuộc huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (xứ Đoài), nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ xa xưa, Hương Canh đã nổi danh xứ Đoài về sự trù phú, thể hiện qua câu ca dao cổ từ đời Lê ca ngợi vùng đất này: “Xứ Nam nhất chợ Bằng Gồi/ Xứ Bắc Vân Khám, xứ Đoài Hương Canh”.
Không những vậy, Hương Canh nổi tiếng với câu ca được lưu truyền: “Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng” . Theo chiết tự, “hương” nghĩa là “mùi thơm”, “canh” nghĩa là “lúa tám thơm”. Hương Canh có nghĩa là “mùi thơm của hương lúa”. Nổi danh là làng nghề làm chum vại truyền thống nức tiếng một thời trên đất Bắc, Hương Canh còn được nhiều du khách biết đến bởi nơi đây có 3 ngôi đền xây dựng từ cuối thế kỷ 17 có kiến trúc rất độc đáo. Đó là đình Hương Canh, đình Ngọc Canh và đình Tiên Hường (thường gọi chung là cụm đình Hương Canh). Mới đây, cụm đình Hương Canh đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Cụm đình Hương Canh thờ những nhân vật lịch sử được dân gian phong “thần” gắn liền với vương triều Ngô là Ngô Xương Ngập-con trưởng của Ngô Quyền, Ngô Xương Văn-con thứ của Ngô Quyền, Đỗ Cảnh Thạc-một tướng quân của Ngô Quyền, Linh Quang Thái hậu, Khả/A Lã nương nương và Thị Tùng phu nhân.
Nét cổ kính của đình Hương Canh. |
Cụm đình Hương Canh đều có tòa tiền tế (gồm 3 gian 2 chái) ứng với nét ngang thứ nhất; tòa đại đình (3 gian 2 chái) ứng với nét ngang giữa; hậu cung (3 hoặc 5 gian) ứng với nét ngang thứ ba. Các tòa ống muống ứng với nét dọc nối tiền tế, đại đình, hậu cung với nhau. Cung thờ chính, nơi đặt long ngai, nằm ở phần sau gian giữa tòa đại đình. Tất cả cột đình làm bằng gỗ lim được đẽo tạo thân cột hình “đầu cán cân, chân quân cờ”. Kiến trúc cụm đình Hương Canh thuộc loại hình kiến trúc mở, phù hợp với các hoạt động lễ hội của người dân địa phương. Bộ mái của cụm đình Hương Canh thể hiện rõ bố cục kiểu chữ “vương”, 4 góc mái giao nhau cùng uốn cong lên tạo ra 4 góc đao nhìn rất uy nghi.
Ở đình Hương Canh có 19 bức chạm lớn nhỏ ghép thành 6 mảng lớn. Trong đó có những bức chạm thể hiện một số quang cảnh như: Đấu vật, bơi trải, bầu rượu túi thơ, đi săn về… Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, phản ánh được phần nào sinh hoạt của nhân dân địa phương hồi cuối thế kỷ 17. Nếu như đình Hương Canh miêu tả những trò chơi đông người, vui nhộn thì đình Ngọc Canh thiên về đặc tả những cảnh lao động, những thú vui hằng ngày của người dân nông thôn. Ngoài bức chạm “Dựng cột buồm” miêu tả cảnh đóng thuyền buồm của những người thợ, còn có những bức thể hiện cảnh uống rượu, đánh cờ, đến hát nhà quan… có nội dung sinh động và bố cục chặt chẽ. Không miêu tả nhiều cảnh sinh hoạt của con người như đình Hương Canh và Ngọc Canh, hầu hết các bức chạm trong đình Tiên Hường chạm trổ cảnh thiên nhiên và vật thờ như hoa sen, rùa, phượng, kình nghê, trong đó sâu đậm nhất là hình rồng được khắc họa ở nhiều tư thế khác nhau như: Rồng hút nước, rồng cuốn cột, cá hóa rồng… Nghệ thuật kiến trúc của cụm đình Hương Canh đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian với kỹ thuật chạm trổ tinh vi, điêu luyện, phác họa bức tranh đời sống sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến thời xưa.
Ông Tạ Ngọc Bích, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hương Canh cho biết: Nhiều năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân cùng tham gia bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị cụm đình Hương Canh, vì đây là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội cùng các trò diễn dân gian của bà con địa phương. Hằng năm, dân làng thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thành hoàng làng.
Bài và ảnh: TÂN SƠN